Chuyện Cộng Điểm Ưu Tiên
Công nhận cứ đến mùa là những câu chuyện muôn thuở lại lên đều như vắt tranh. Lần này là chuyện cộng điểm ưu tiên trong các kì thi, đặc biệt là kì thi đại học. Mình thấy chuyện này cũng không có gì cần nói nhiều, nên bài viết hôm nay sẽ ngắn thôi.
Có một câu chuyện bên Trung Quốc trước đây từng được mạng xã hội chia sẻ về một bạn học sinh là con của liệt sĩ được cộng điểm ưu tiên trong kì thi đại học và xã hội cũng lên tiếng nói rằng không công bằng. Bạn học sinh ấy trả lời: “Tôi trả lại điểm cho mấy người. Mấy người trả Bố lại cho tôi đi.”
Tất nhiên một câu chuyện không đại diện cho cả xã hội, nhưng những mẩu chuyện nhỏ nhỏ thế này có thể làm một lời nhắc nhở, rằng có nhiều thứ chúng ta đã quên cân nhắc đến khi lên tiếng đòi công bằng, như việc mất Bố của bạn học sinh này vậy. Vốn dĩ cũng đã chẳng có sự công bằng tuyệt đối nào, vì như thế xã hội sẽ chẳng còn là xã hội nữa.
Đổi lại, chúng ta có thể cố gắng hơn, nỗ lực hơn, để dù người khác (hay cả bản thân) có được cộng điểm ưu tiên hay không thì cũng không ảnh hưởng gì cả. Năm mình thi tuyển sinh lớp 10 vào 10 năm về trước, mình được cộng 2,5 hay 3 điểm ưu tiên gì đó. Vốn điểm thi của mình đã vượt quá điểm chuẩn của trường có điểm chuẩn cao nhất thành phố 2-3 điểm, cộng thêm cho mình 2-3 điểm thực sự không để làm gì, và cuối cùng mình cũng không học vì mình vào Phổ Thông Năng Khiếu.
Tương tự, nếu bạn cố gắng hơn, nỗ lực hơn và cân nhắc cả những con đường khác để vào đại học, thì kì thi này cũng chỉ đơn giản là một kì thi mà bạn phải thi cho xong mà thôi, hoặc nó cho bạn thêm một sự lựa chọn không quan trọng lắm. Lấy giải học sinh giỏi các cấp, thi các kì thi đánh giá năng lực, xét học bạ và/hoặc chứng chỉ ngoại ngữ, v.v… Rất nhiều học sinh có rất nhiều con đường để đi, trong khi phần nhiều nhóm học sinh được cộng điểm ưu tiên trong kì thi đại học lại không có khả năng tiếp cận nhiều cơ hội đến thế, hoặc là họ có những khó khăn khác, như câu chuyện mất Bố ở trên.
Bất kì sự so sánh nào dù đơn giản nhất vẫn là khập khiễng, không có một binh pháp nào có thể áp dụng hiệu quả trong mọi trường hợp, vậy thì chính sách dù có tốt cỡ nào cũng không bao giờ chiều lòng tất cả mọi người được, đây là lẽ thường. Những ví dụ hay được đưa ra để thuyết phục kiểu kiểu như “học sinh thị xã cũng không khác thành phố là mấy”, thì trừ phi bạn đã tự mình trải qua, lúc đó ý kiến của bạn sẽ là một ý kiến, một góc nhìn từ trải nghiệm cá nhân. Nếu bạn chưa từng trải nghiệm, thì nó lại trở thành một câu phán mang tính phiến diện, như chuyên gia giáo dục kia nói về vì sao không cho con học Ams. Cô ấy không học Ams, con Cô ấy không học Ams, nhưng Cô ấy lại nói Ams thế này Ams thế nọ Ams thế kia. Như thế, không phiến diện thì là gì?
♡ Học Đại Học, Xin Việc, Và Tương Lai ♡
Mình học Phổ Thông Năng Khiếu, trường mình có một số học sinh dân tộc thiểu số. Đúng, so với tụi mình, ngoại trừ mang dân tộc thiểu số ra, có thể xem như nền tảng của các bạn ấy không khác gì, cũng ở thành phố lớn, cũng học trường chuyên lớp chọn, và khi đi thi các bạn ấy lại được cộng điểm. Nhưng, so với 53 dân tộc thiểu số trên toàn lãnh thổ, phần ít này sao gọi là đáng kể? Đây chỉ là chuyện cộng điểm ưu tiên tình huống dân tộc thiểu số, tương tự những tình huống khác như cộng điểm ưu tiên con em thương binh liệt sĩ, cộng điểm ưu tiên vùng, phần nhỏ này cũng làm sao so được? Chính sách cho cả một xã hội không phải công thức Excel, không thể cho N hàm “nếu…thì…” vào để phân loại.
Những người nào đanh đá một chút thì họ sẽ chê cười việc so bì kì kèo chuyện nhỏ nhặt, rằng nếu bạn giỏi thì mấy thứ này chỉ là phù du. Thực ra, việc lên tiếng đóng góp là cần thiết, vì chính sách cũng cần được cập nhật để phù hợp với tình hình xã hội đương thời. Dù thế nào, thi đại học chỉ là một cột mốc nhỏ bé, năm tháng trên giảng đường cũng chỉ là một đoạn ngắn ngủi trên cả dòng chảy cuộc đời gần trăm năm. Chưa chắc gì bạn đã lựa chọn đúng ngành đúng trường, thời thế cũng đổi thay liên tục. Miễn là bạn vẫn không bỏ cuộc, tiếp tục tiến về phía trước và phát triển bản thân đúng hướng, thì bạn vẫn sẽ đạt được những mục tiêu sau này thôi. Một cú vấp thì có là gì.
Cuối cùng, vẫn đơn giản là thoả hiệp, thoả hiệp chấp nhận buông con tép đổi con tôm.
23.06.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Chuyện Cộng Điểm Ưu Tiên, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Tư Duy Về Chuyện Học.