0
Your Cart

♡ Chọn Trường Quản Trị Khách Sạn Cho Sự Nghiệp Thành Công ♡

Chọn Trường Quản Trị Khách Sạn

Chọn Trường Quản Trị Khách Sạn Cho Sự Nghiệp Thành Công

Hì hì sorry, mình giật tít tí. Cơ mà tất nhiên không phải cứ học trường xịn là bạn sẽ có một sự nghiệp ngon lành. Thành công đòi hỏi rất nhiều yếu tố, và giáo dục từ trường học chỉ là một trong số đó. Dù vậy, mình hi vọng, bài viết này sẽ giúp bạn có được kết quả mĩ mãn và phù hợp nhất trong quá trình chọn trường để theo học ngành Quản trị khách sạn, bởi vì sự lựa chọn này có thể ảnh hưởng đến kiến thức, cơ hội thực tập, công việc và con đường sau này.

1. Chất lượng theo sự công nhận và bảng xếp hạng

Hiện nay ở Việt Nam chưa có bảng xếp hạng nào lâu năm, uy tín, có nền tảng đáng giá công khai để giúp bạn chọn trường đại học, và về riêng ngành Quản trị khách sạn cũng không có. Nếu bạn đang cân nhắc việc học ở nước ngoài thì yếu tố này có thể tra khảo dễ dàng hơn.

Sự công nhận của các tổ chức trên thế giới và các bảng xếp hạng lâu năm uy tín có thể được hiểu tương đương như kiểm định chất lượng về tiêu chuẩn học thuật và chuyên môn. Khi trường được công nhận có nghĩa là trường đã đáp ứng được các yêu cầu của cơ quan kiểm định. Các bảng xếp hạng ngoài yếu tố học thuật và chuyên môn thì còn cân nhắc cả khả năng kết nối, tỉ lệ việc làm, và thậm chí là đánh giá của chuyên gia trong ngành.

Bảng xếp hạng các trường Quản trị khách sạn thường được lựa chọn để so sánh nhất là QS World University Rankings by Subject: Hospitality & Leisure Management.

2. Chương trình học và sự lựa chọn chuyên ngành

Nếu bạn vào chuyên mục Học Hành > Học Khách Sạn trên blog thì bạn sẽ thấy mình đã từng viết cảm nhận về chương trình học quản trị khách sạn của một số trường đại học ở Việt Nam, theo góc nhìn của mình ở thời điểm đó, hi vọng giúp bạn chọn trường hiệu quả hơn. Vì những bài viết đó tập trung vào một trường cụ thể, nên mình cũng chỉ xem xét sự liên kết giữa các môn học với nhau như thế nào.

Một chương trình học mình cho là đủ tốt cần được xây dựng dựa trên một mục tiêu cụ thể, và các môn học cần bổ trợ cho nhau. Vì dụ, chúng ta đang đề cập đến ngành quản trị khách sạn, thì mình hi vọng chương trình học tránh học nhiều về du lịch và lữ hành, trừ những kiến thức với mục đích đặt nền tảng về ngữ cảnh. Ngành quản trị khách sạn tập trung vào vận hành một doanh nghiệp (khách sạn), nên du lịch và lữ hành thực sự là mảng khác rất xa so với khách sạn. Đây chỉ là một ví dụ minh hoạ.

Sự lựa chọn về chuyên ngành trong chương trình học của trường cũng quan trọng để bạn có thể định hướng sự nghiệp của mình vào đúng lĩnh vực cụ thể mà bạn quan tâm trong ngành Quản trị khách sạn rộng lớn. Bạn tất nhiên không thể vừa vận hành, vừa làm nhân sự, vừa quản lí tài chính, vừa lập kế hoạch tiếp thị cho khách sạn, tất tần tật. Trong quá trình chọn trường, việc cân nhắc các chuyên ngành trường có là một bước cần thiết.

3. Vị trí của trường và cuộc sống sinh viên

Vị trí của trường ảnh hưởng rất nhiều đến trải nghiệm thời sinh viên của bạn, mà những trải nghiệm này lại chính là nền tảng để bạn xây dựng hồ sơ của mình trước khi bước vào thị trường lao động. Nếu trường nằm ở vị trí thuận lợi, bạn sẽ có cơ hội trải nghiệm những chuyến đi thực tế để nhìn thấy tình hình kinh doanh và vận hành khách sạn thật sự là như thế nào và lắng nghe chia sẻ của các chuyên gia trong ngành.

Ngày xưa trường của mình ở trên núi. Mặc dù vị trí không thuận lợi, nhưng trường lại nằm ở trung tâm các trường danh tiếng nhất về đào tạo Quản trị khách sạn nên các doanh nghiệp sẽ lựa chọn tụ hội về đây để tuyển dụng sinh viên khi sự kiện tuyển dụng diễn ra. Sau này mình chuyển qua cơ sở London thì mình đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với các Tổng Quản lí và Trưởng bộ phận để so sánh những kì vọng và mong muốn của bản thân với tình hình thực tế của thị trường.

Cuộc sống sinh viên tại trường cũng nên được đặt lên bàn cân để xem xét. Những yếu tố đóng góp cho một cuộc sống sinh viên chất lượng bao gồm cơ hội tham gia các hoạt động ngoại khoá như câu lạc bộ, sự kiện chuyên ngành, v.v…, từ đó chuẩn bị hành trang cho bạn trước khi bước vào thị trường lao động. Ngoài ra, sinh viên còn có thể tận dụng điều này để mở rộng các mối quan hệ có giá trị lâu dài.

Bạn có thể đọc thêm trong bài ♡ Bài Học Đầu Đời Về Xây Dựng Mạng Lưới Mối Quan Hệ ♡ mà mình đã đúc kết được.

4. Cơ hội thực tập và việc làm

Quản trị khách sạn là ngành dịch vụ nặng về thực hành, do vậy thực tập và tích luỹ kinh nghiệm thực tế là một phần không nên thiếu trong chương trình học. Trường nào có mối quan hệ càng rộng với các doanh nghiệp đầu ngành thì chứng tỏ cơ hội dành cho sinh viên càng chất lượng. Nếu bạn có thể chứng tỏ năng lực trong quá trình thực tập, thì các doanh nghiệp cũng sẽ không ngần ngại mời bạn quay lại sau khi bạn kết thúc việc học.

Nếu có thể, bạn hãy cân nhắc cả số liệu thống kê về công việc của sinh viên sau khi ra trường. Trường có tỉ lệ sinh viên có việc làm cao, đặc biệt là khi công việc của các cựu sinh viên đúng với định hướng bạn mong muốn, cũng đồng nghĩa với việc ngôi trường này phù hợp để bạn lựa chọn cho hành trình tương lai sự nghiệp Quản trị khách sạn.

Nếu trường có mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp xịn xò hoặc là có hầu hết sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp, chắc chắn trường sẽ công khai những thông tin này để thu hút thêm sinh viên tài năng, từ đó đẩy mạnh danh tiếng của trường hơn nữa.

Mình có cơ hội thực tập ở 3 khách sạn khác nhau: Best Western Plus Hotel Plaisance tại Pháp, Royal Plaza Montreux & Spa và Movenpick Hotel Lausanne tại Thuỵ Sĩ. Sau cả 3 kì thực tập cũng là khi mình kết thúc năm học thứ 3 tại trường thì mình nhận được lời mời giữ vị trí Trưởng bộ phận Đặt phòng của khách sạn Hotel de la Coupole MGallery ở Việt Nam. Nếu bạn sắp xếp lịch học và chiến lược hợp lí cũng như tập trung vào việc nâng cao năng lực và phát triển bản thân, thì cơ hội chắc chắn sẽ đến với bạn.

5. Mạng lưới kết nối cựu sinh viên

Bạn đã từng nghe câu này chưa? “Bạn biết làm gì không quan trọng, mà quan trọng là bạn biết ai.” Tự lực cánh sinh, phấn đấu một mình mình không có gì sai cả, nhưng con đường này của bạn sẽ khó khăn hơn nhiều.

Quản trị khách sạn cũng không phải là ngoại lệ. Nếu bạn có tham vọng thăng quan tiến chức, việc có mạng lưới mối quan hệ tốt giúp bạn dễ nhảy việc hơn. Nhảy việc để thăng chức không phải là điều gì xa lạ trong ngành, đây là thực tế ở thời điểm hiện tại. Không phải là mình bảo mọi người cứ thích thì nhảy việc liên tục đi, nhưng nếu bạn cảm thấy năng lực của bạn đã đạt đỉnh, vượt qua những gì công việc hiện tại đòi hỏi, và mọi người đều đồng ý thì việc bạn đi tìm một vị trí khác có thể giúp bạn phát triển hơn nữa là điều đáng hoan nghênh.

Quản trị khách sạn không chỉ đơn thuần là giữ vị trí quản lí của một khách sạn nào đó là hết. Những mảng đặc biệt và không tuyển dụng rầm rộ của quản trị khách sạn như Feasibility & Investment (Dự án và đầu tư), Risk management (Quản trị rủi ro), Asset Management (Quản trị tài sản), v.v… hầu hết đều sẽ đòi hỏi bạn phải có mối liên hệ để được giới thiệu khi thời cơ tới. Mạng lưới cựu sinh viên là một trong những nguồn lực bạn có thể tìm đến và lưu giữ mối quan hệ để tìm kiếm cơ hội. Kể cả khi cơ hội chưa tới, bạn cũng có thể học hỏi được kiến thức và kinh nghiệm từ những người đi trước.

6. Học phí và hỗ trợ tài chính

Cuối cùng, dù có muốn đến cỡ nào đi chăng nữa, bạn cũng cần phải cân nhắc khả năng tài chính để theo học tại ngôi trường bạn mong muốn. Tổng học phí hay thu nhập sau tốt nghiệp của bạn không nên bị đặt lên bàn cân một cách riêng lẻ. Thay vào đó, bạn hãy tập hợp tất cả các yếu tố về cơ hội sau này so với chi phí phải bỏ ra, kể cả khi học phí cao (trong khả năng của bạn và gia đình) nhưng thu hồi vốn cũng cao so với chi phí thấp mà thu hồi vốn cũng thấp. Tỉ lệ lợi tức đầu tư (return on investment) nào cao nhất thì nên chọn.



Chọn trường nào để theo học Quản trị khách sạn mới chỉ là bước khởi đầu, cuộc đời và sự nghiệp của bạn không được định đoạt bởi một quyết định duy nhất này. Một khi bạn đã chọn trường, điều quan trọng là bạn cần tận dụng tối đa để phát triển năng lực của bản thân và tận dụng tất cả các cơ hội mà trường có thể mang đến. Sự nghiệp là của bạn, nên bạn hãy làm chủ bằng cách chủ động tìm kiếm các cơ hội giúp bạn đạt được mục tiêu của mình.

06.04.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Chọn Trường Quản Trị Khách Sạn Cho Sự Nghiệp Thành Công, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Học Khách Sạn.

Bình luận