0
Your Cart

♡ Cách Ghi Chú Thông Minh ♡

Cách Ghi Chú Thông Minh

1. Ghi chú về sách

Bạn không cần phải sắp xếp lại toàn bộ ghi chú hiện có. Thay vào đó, bạn chỉ cần bắt đầu ghi chú theo phương pháp mới khi bạn quyết định thay đổi là được.

Bạn nên điều chỉnh thói quen dựa trên phương pháp mới, bởi kể cả công cụ tốt nhất cũng sẽ không cải thiện chất lượng cuộc sống của bạn trừ khi bạn áp dụng nó vào cuộc sống hàng ngày. Có quá nhiều phương pháp được cho là có thể giúp bạn nâng cao năng suất học tập, ví dụ: đánh dấu các ý chính, ghi chú về những đề mục quan trọng, viết tóm tắt, phương pháp SQ3R hoặc SQ4R (có thể một ngày nào đó SQ5R sẽ được giới thiệu 😂), triển khai ý tưởng, cũng như 7749 ứng dụng hỗ trợ khác. Tất cả các phương pháp này đều hữu ích theo một cách nào đó nhưng thường chỉ được sử dụng riêng lẻ mà không được áp dụng vào cuộc sống hàng ngày, dẫn đến trở thành một mớ hỗn độn không hiệu quả.

Viết là phương tiện thể hiện suy nghĩ của bạn ra bên ngoài. Từ đó, bạn có nhiều khả năng hiểu, ghi nhớ và biến nó trở thành một phần tư duy của bạn.

Khi bạn cố gắng học một điều gì đó, hãy tập trung vào mục đích của việc viết về bài học vì nó kích hoạt não bộ của bạn để hiểu kiến thức từ A đến Z để lưu vào ghi chú. Từ đó, bạn trở nên ý thức và chủ động hơn trong việc học.

Bút bi phụ thuộc vào trọng lực để mực chảy xuống. Trong khi NASA đã chi hàng tấn tiền để phát triển một cây bút bi không phụ thuộc vào trọng lực, người Nga lại sử dụng bút chì.

Để ghi chú một cách thông minh, bạn cần 3 công cụ: dụng cụ để viết (bút / giấy), hệ thống tham chiếu (tài liệu tham khảo), dụng cụ lưu trữ ghi chú. Bạn cũng sẽ cần một trình soạn thảo để tổng hợp tất cả các ghi chú thành một sản phẩm hoàn chỉnh.

Bạn có thể chia ghi chú thành 3 loại, mỗi loại đòi hỏi một phương pháp viết và quản lí khác nhau:

  • Ghi chú tạm thời: được thực hiện nhanh và tại chỗ để tránh làm gián đoạn hành động hiện tại của bạn. Những ghi chú này nên được sắp xếp lại trong ngày để trở thành ghi chú vĩnh viễn.
  • Ghi chú vĩnh viễn: chứa thông tin cần thiết có thể hiểu được mà không cần ngữ cảnh ban đầu.
  • Ghi chú riêng của dự án: sẽ được niêm cất khi dự án kết thúc.

6 bước để viết ghi chú một cách thông minh:

  • Tập trung hoàn toàn vào mỗi phần khi viết, cố gắng không để bị phân tâm đến những phần khác. Sự phát triển của cuộc sống rất dễ khiến bạn bị xao nhãng.
  • Không làm nhiều việc cùng một lúc, dù bạn có thể cảm thấy hiệu quả hơn. Thực tế chứng minh rằng năng suất của bạn giảm đi rất nhiều khi cố gắng hoàn thành nhiều việc cùng lúc.
  • Viết là tập hợp của nhiều công việc khác nhau như rà soát lỗi, lập dàn ý, xây dựng ý và đọc tài liệu tham khảo.Hãy tập trung vào mỗi nhiệm vụ theo cách riêng, bởi những thao tác khác nhau đòi hỏi tư duy khác nhau khi hành động.
  • Hạn chế lập kế hoạch, bởi việc lập kế hoạch dạy bạn cách “đi theo kế hoạch” thay vì “thực sự viết”. Thay vào đó, hãy trở thành chuyên gia nhờ vào việc luyện tập thường xuyên.
  • Uỷ thác công việc không cần thiết cho công cụ, ví dụ như lưu trữ thông tin ở ♡ “Bộ Não Thứ Hai” Quản Lí Tri Thức ♡, bởi khả năng tập trung và trí nhớ ngắn hạn của bạn là có giới hạn.
  • Xây dựng một hệ thống có thể được sử dụng đi sử dụng lại giúp giảm số lượng quyết định và sự lựa chọn bạn phải đưa ra. Nhờ đó, bạn có thể sử dụng năng lượng tinh thần cần thiết cho những việc quan trọng hơn.

Để việc đọc trở nên hiệu quả hơn, bạn cần đặt tiêu chí “hiểu” vào cốt lõi.

  • Luôn có dụng cụ để ghi chú khi đọc: nhằm lưu trữ thông tin bằng ngôn ngữ của chính bạn cho việc tham khảo lại sau này. Viết bằng tay đòi hỏi sự hiểu nhiều hơn đánh máy bởi bạn không thể thực hiện hành động copy-paste.
  • Đọc với tâm thế cởi mở: viết không phải là một quá trình tuyến tính mà là một quá trình trau chuốt các thông tin có liên quan, ngay cả khi kết quả trái ngược hẳn với ý tưởng ban đầu, để phát triển tư duy của bạn.
  • Nắm bắt ý chính: đòi hỏi sự luyện tập với tập trung cao độ.
  • Khả năng phát hiện quy luật, chất vấn ý tưởng và hiểu ngữ cảnh quan trọng hơn kiến thức. Đây là cơ sở để áp dụng kiến thức vào cuộc sống và có thể luyện tập mà thành.
  • Viết cho khán giả là bạn-trong-tương-lai, khi bạn đã quên ngữ cảnh ban đầu của ý tưởng. Với tư duy này, ghi chú của bạn chính là kiến thức.
  • Để học, bạn cần phải hiểu. Để hiểu, bạn cần phải nỗ lực trong việc kết nối những ý tưởng cũ và mới. Điều đáng ngạc nhiên là ngày nay, các giáo viên thường sắp xếp trước mọi thứ cho học sinh nhằm giúp việc học trở nên dễ dàng hơn. Thực tế, chính vì vậy mà học sinh trở nên lười suy nghĩ và phản xạ, dẫn đến việc các em không có cơ hội học hỏi và xây dựng các mối liên kết này đó. Điều này cũng giống như thức ăn nhanh vậy, không bổ dưỡng cũng chẳng ngon lành gì, nhưng nó tiện, trong khi thử thách mới là thứ giúp bạn trở nên tốt hơn chứ không phải sự thuận tiện.

Chiến lược học tập của học sinh thường là học thuộc lòng thông qua việc lặp đi lặp lại. Tất nhiên, về lâu dài, điều này không hiệu quả vì không có mối liên hệ nào được xây dựng để tạo ra một chuỗi thông tin có hệ thống và logic. Thay vào đó, học sinh cần liên kết kiến thức mới với những kiến thức họ đã biết, và sử dụng những kiến thức đó để lấy ý tưởng khi cần.

Ý tưởng hay thì cần thời gian, và ngay cả những đột phá bất ngờ cũng thường là kết quả của một quá trình chuẩn bị lâu dài ở cường độ cao.

Không phải lúc nào bạn cũng có thể giải thích cụ thể tại sao bạn chọn A thay vì B, bạn chỉ biết rằng quyết định được đưa ra dựa trên kinh nghiệm và trực giác. Trực giác không phải là thứ đối lập với lí trí và kiến thức mà ngược lại, trực giác là mặt thực tế của lí trí và kiến thức.

Chân lí là đơn giản. Việc phải đưa ra ít lựa chọn hơn giúp bạn có nhiều thời gian hơn tập trung cho năng suất. Sự hạn chế về nguyên tắc của nhịp điệu, âm tiết và vần điệu tạo nên chất thơ. Mã nhị phân chỉ gồm 0 và 1 tạo nên một thế giới mới.
➡️ Cấu trúc và giới hạn tạo nên sự sáng tạo và hiểu biết sâu sắc.

Công việc có thể trở thành động lực nhờ vào sự khơi nguồn hứng thú và sự phù hợp với bạn, thay vì là thứ đòi hỏi ý chí để thực hiện. Để đạt được điều này, bạn cần chia nhỏ công việc thành nhiều phần. Việc thực hiện chính xác những gì cần thiết trong mỗi phần nhỏ sẽ mở ra những hiểu biết và ý tưởng mới, khiến công việc trở nên thú vị hơn.

Học không phải là để có thêm kiến thức mà là thử thách tư duy của bạn với những sự kiện và kinh nghiệm mới.

2. Cảm nghĩ về sách

Trước khi đọc, mình khá là mong chờ vào cuốn sách này. Nhìn chung mình thấy sách cũng được, nhưng hơi dài dòng. Đổi lại, dù mình đã đọc rất nhiều về phương pháp ghi chú Zettelkasten được phát triển bởi Niklas Luhmann, thì chỉ đến khi mình đọc cuốn sách này mình mới hiểu hoàn toàn cách xây dựng hệ thống ghi chú Zettelkasten một cách bài bản.

Mình từng suýt loé lên bóng đèn trong đầu khi đọc sách rằng mình sẽ áp dụng cách ghi chú thông minh này, nhưng sau một hồi cân nhắc thì mình thấy bản thân sẽ giữ nguyên phuong pháp ghi chú hiện tại, bởi nó phù hợp với cuộc sống của mình hơn. Việc ghi chú một điều gì đấy thì nhanh, nhưng đi tìm ghi chú liên quan để đặt nó vào đúng vị trí là khá mất thời gian, nhất là khi hệ thống ghi chú của bạn trở nên khá dày, bởi bạn sẽ phải đi tìm một ghi chú cũ liên quan nhưng lại không có tên chủ đề để tìm. Thật ra phương pháp được giới thiệu trong sách rất là logic nếu bạn muốn bắt đầu xây dựng một hệ thống kiến thức cho bản thân mà có nhiều triển vọng trong tương lai.

03.11.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Cách Ghi Chú Thông Minh, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bình luận