Bài viết không được tài trợ và không có tiếp thị liên kết.
Từ nhỏ đến lớn, mỗi người đều tiếp nhận một lượng kiến thức khổng lồ. Tuy vậy, theo thời gian, chúng ta còn nhớ được bao nhiêu và áp dụng được bao nhiêu? Sau rất nhiều năm trau dồi, mình lẽ ra đã có thể tìm lại phần lớn kiến thức mình muốn một cách dễ dàng (hơn là chỉ đi tra Google) NẾU mình chủ động xây dựng một bộ não thứ hai để quản lí tri thức của bản thân từ ngày xưa.
Nhưng không sao, không bao giờ là quá muộn cả, huống chi bây giờ mình vẫn còn trẻ. Mình bắt đầu quá trình xây dựng bộ não thứ hai từ khi đặt chân đến London. Môi trường đã thúc đẩy mình bắt đầu, bởi khi ở Việt Nam hay Thuỵ Sĩ, mình không cảm nhận được cái áp lực này đủ mạnh mẽ. Quãng thời gian trước đây mình có chút ngông cuồng, bởi so với mặt bằng chung môi trường xung quanh, mình thuộc dạng khá nổi bật về năng lực. Dù vẫn bỏ ra rất nhiều cố gắng, London đã thức tỉnh mình rằng rất nhiều thứ mình làm là chưa đủ để đạt được như kì vọng.
1. Giới thiệu bộ não thứ hai quản lí tri thức
Xây dựng bộ não thứ hai là phương pháp lưu lại ý tưởng và kiến thức một cách có hệ thống, giúp mình không phải cố gắng nhồi nhét quá nhiều ghi nhớ trong đầu mà thay vào đó, bộ não thứ hai là một kho lưu trữ kĩ thuật số riêng biệt, tập trung vào những điều mình muốn tìm đọc lại trong tương lai. Phương pháp này không chỉ giúp lưu trữ ý tưởng mà còn giúp biến ý tưởng thành hiện thực nhờ hệ thống thông tin logic.
Với khối lượng thông tin bạn tiếp nhận và xử lí hàng ngày thì việc cố gắng ghi nhớ tất tần tật mọi thứ là rất không thực tế. Nếu chỉ vì thiếu một chút nỗ lực lưu trữ và sắp xếp thông tin mà bạn để lạc những kiến thức quý giá vì không gom nó vào một chỗ thì sẽ rất phí.
Xây dựng bộ não thứ hai để quản lí tri thức mang đến cho bạn rất nhiều lợi ích:
- Hoàn thành sớm các mục tiêu và dự án nhờ vào việc các thông tin được lưu trữ một cách có hệ thống
- Biến kiến thức thành thu nhập
- Phát hiện ra quy luật và mối liên hệ giữa các ý tưởng với nhau
- Giảm căng thẳng do quá tải thông tin
- Phát triển kiến thức chuyên môn cho công việc, sự nghiệp hoặc việc kinh doanh mới
- Trau dồi kiến thức theo thời gian mà không phải tuân thủ các quy tắc cứng nhắc như spaced repetition (lặp lại ngắt quãng)
- Tận dụng tối đa giá trị của các tài nguyên kiến thức xung quanh
2. Quy trình 3 bước
2.1. Lưu thông tin
Bạn có nhớ thời đi học, để học bài và nắm bắt ý chính thì bạn sẽ dùng bút đánh dấu không? Vậy làm thế nào bạn có thể lựa chọn thông tin nào cần lưu lại trong hằng hà sa số thông tin bạn tiếp nhận mỗi ngày? Kinh nghiệm của mình khi lựa chọn sẽ đáp ứng một trong các yếu tố sau:
- Vấn đề nào mình rất hay đi tìm câu trả lời qua Google, Youtube?
- Thông tin này có ích gì hay có thể nhắc nhở mình điều gì trong tương lai không?
- Mình có muốn liên hệ lại những kiến thức này để phát triển thêm về sau không?
Ngoài ra, kể cả khi một thông tin nào đó chưa chắc đáp ứng được các yếu tố trên mà mình lại rất muốn ghi lại, thế là mình cũng ghi lại thôi, vì trong tương lai khi đọc lại ghi chú của bản thân, nếu nó không còn thúc đẩy cảm xúc của mình như trước thì mình hoàn toàn có thể xoá đi.
Hầu hết chúng ta đều cố gắng lưu trữ thông tin một cách khá lộn xộn. Khi đọc sách thì bạn đánh dấu lên sách, lưu vội trong bản nháp email khi tiện tay, rồi cả các ghi chú trong Word hay Notepad hay giấy nhớ, nhưng rồi sau đó lại lạc mất. Vậy nên, điều bạn cần làm là gom hết các ghi chú vào một chỗ để kết nối các thông tin lại với nhau sau này.
Bất cứ khi nào bạn mở điện thoại, máy tính bảng hay máy tính thì ngay lập tức bạn sẽ tiếp nhận nguyên một đại dương ma trận các thông tin. Các thông tin này có thể rất thiết thực, rất hữu ích, hoặc cũng có thể là những nội dung rác. Vậy nên, trừ phi chính bạn đưa ra quyết định mang tính chiến lược và có ý thức rõ ràng, bạn sẽ chỉ nhìn thấy những gì người khác muốn bạn nhìn thấy. Bạn có thể lưu thông tin lại, sau đó đọc và chỉnh sửa một lần nữa để hoàn thiện nó.
Sau khi xác định được thông tin bạn muốn giữ lại, làm cách nào để bạn có thể sắp xếp các thông tin một cách hiệu quả? Nhiều người sẽ nghĩ bạn nên chia ghi chú theo chủ đề kiểu kinh doanh / phát triển bản thân / học tập, v.v…, nhưng cá nhân mình thì lại nghĩ làm như vậy sẽ rất mất thời gian và khá mệt mỏi để bạn có thể xác định ghi chú nào phải đi theo chủ đề nào. Đổi lại, mình sẽ gom theo việc mình đang thực hiện, như là chia các mục thành đọc sách / ứng tuyển / thương hiệu cá nhân, v.v… Mình sẽ sắp xếp các chủ đề theo hashtag trong nội dung, và như vậy một ghi chú của mình có thể thuộc về nhiều chủ đề khác nhau.
2.2. Kết nối các ghi chú
Khi bạn tích luỹ được một kho nội dung, những mối liên kết sẽ bắt đầu xuất hiện. Tuy nhiên, để tối ưu hoá việc bạn phát hiện ra những mối liên hệ đặc sắc giữa các thông tin với nhau, bạn sẽ cần phải chắt lọc lại hệ thống ghi chú. Nếu ghi chú của bạn dài hàng chục trang thì sẽ rất khó để bạn có thể đi tìm thông tin bạn cần một cách nhanh chóng.
Mình tự đặt ra một số nguyên tắc giúp việc chắt lọc thông tin trở nên dễ dàng hơn:
- Nếu có một thuật ngữ nào đó mà có thể mình sẽ quên đi ý nghĩa thì mình sẽ ghi chú giải trong ngoặc đơn, phòng khi mình cần sau này.
- Đặc biệt những thông tin nào cần dẫn chứng thì mình sẽ ghi lại nguồn để có thể tìm lại.
Mỗi lần mình đọc một ghi chú nào đó của bản thân, mình sẽ hoàn thiện nó hơn để sau này việc tìm kiếm thông tin cũng trở nên dễ hơn. Mình sẽ không ép bản thân phải có một ghi chú hoàn hảo ngay từ đầu để tránh áp lực dẫn đến bỏ cuộc, mà cứ mỗi lần mình tìm đọc lại một ghi chú thì mình sẽ cắt bớt những phần thừa, tóm tắt các phần đang dài quá, đánh dấu những phân đoạn hay ho, v.v… Cũng giống như chuỗi bài Học tàn tàn mà mình từng viết, việc dàn trải các bước ra trong một thời gian dài thực tế sẽ tiết kiệm công sức hơn và đồng thời cũng mang lại giá trị cao hơn.
2.3. Biến ghi chú thành hành động
Không cần biết bạn học nhiều kiến thức bao nhiêu, dung nạp nhiều kĩ năng bao nhiêu, nhưng nếu bạn không đưa nó vào sử dụng thì những kiến thức và kĩ năng đó sẽ rất nhanh bị mai một dần, và một ngày nào đó bạn sẽ không còn nhớ nó nữa. Một nguyên nhân khác khiến bạn cũng chưa (hoặc không) hành động là bạn luôn trì hoãn và luôn trong trạng thái tìm kiếm một kiến thức hoặc kĩ năng hoàn hảo trước khi thực sự bắt tay vào làm. Hoàn hảo là một thứ không tồn tại, mà chỉ khi bạn làm mới rút kinh nghiệm từ thực tế.
Một tuyệt chiêu khác mình áp dụng đấy là chia nhỏ mọi thứ. Giống như việc mình rất tâm huyết trong việc chia sẻ những tư duy và hành động cần thiết giúp học sinh học tốt hơn và nhẹ nhàng hơn, nhưng mình sẽ không thể nào nói hết tất tần tật chỉ trong 1 bài đăng. Thay vào đó, mình kể nhiều câu chuyện, mỗi câu chuyện chia sẻ một khía cạnh khác nhau với các thông điệp khác nhau, để khi gom tất cả các bài đăng lại thì bạn sẽ có cái nhìn toàn cảnh hơn về việc trong 16 năm đi học từ phổ thông đến đại học, mình đã đi con đường như thế nào để đạt được thành quả ngày hôm nay. Các ghi chú của mình cũng sẽ được chia thành các mục nhỏ, và nhờ sự kết nối của bộ não thứ hai mà mình có thể quản lí tri thức cá nhân một cách hiệu quả.
Một trong những hành động của mình đó chính là sử dụng ghi chú của bản thân để viết nên những bài đăng như thế này và chia sẻ nó với bạn
3. Hệ thống Obsidian
Mình đã từng bỏ ra khoảng nửa năm sử dụng Notion, thêm khoảng nửa năm nữa sử dụng Microsoft OneNote. Dù nhìn chung mình vẫn có những thứ hài lòng và không hài lòng về cả 2 hệ thống, nay mình dừng chân xây dựng bộ não ở Obsidian vì nó quá hoàn hảo cho nhu cầu của mình.
3.1. Giao diện tối giản
Bạn thấy không, giao diện Obsidian chỉ có lèo tèo vài nút bấm, toàn bộ khoảng không gian trong cửa sổ ứng dụng là dành cho việc ghi chép. Hầu hết mọi chức năng đều có thể được thực hiện thông qua phím tắt trên bàn phím, hoàn hảo với một đứa yêu bàn phím gấp N lần chuột là mình. Càng hoàn hảo hơn nữa, nhờ đó, trong quá trình lưu giữ kiến thức, mình sẽ hoàn toàn không bị phân tâm bởi quá nhiều nút bấm chức năng trên giao diện như OneNote hay cố gắng làm cho nó trở nên đẹp đẽ màu mè như Notion.
Đây là điều rất quan trọng, bởi thế giới ngày nay rất hỗn độn, mình cần sự tập trung cao độ khi làm bất cứ việc gì. Giao diện này thực sự là cho mình tập trung vào mục đích dùng ứng dụng như bộ não thứ hai để quản lí tri thức, và chỉ có thế.
3.2. Bảo mật dữ liệu
Mình nhận thấy ở Việt Nam mọi người chưa quá coi trọng việc bảo mật dữ liệu, mình thì khác. Những dữ liệu của mình chỉ được lưu ở những nơi mình tin tưởng, ví dụ như trong ổ cứng hoặc các dịch vụ vô cùng vô cùng đáng tin cậy như Microsoft OneDrive.
Trước khi xác định dừng chân với Obsidian, mình có dùng Notion một thời gian dài, thậm chí còn ở trong nhóm Notion Vietnam để chia sẻ và học hỏi cùng với những người dùng khác. Tuy nhiên, việc dữ liệu của mình không thực sự nằm “trong tay” mình khiến mình cực kì trăn trở. Ở thời điểm đó, mình không thể tìm thấy bất kì một ứng dụng ghi chép nào đủ tối giản nhưng lại có rất nhiều tính năng như Notion nên mình vẫn cắn răng để duy trì năng suất cuộc sống.
Obsidian tuyệt vời ở chỗ dữ liệu được lưu trữ hoàn toàn trên ổ cứng của máy tính, giải quyết một trong những nỗi lo lắng lớn nhất trong lòng mình.
3.3. Dễ sử dụng
Càng dùng Notion lâu thì mình càng nhận thấy nhiều bất cập, và nó làm cho quá trình ghi chép của mình ngày càng trở nên thiếu tính hiệu quả. Mình quá tập trung vào giao diện và việc sắp xếp dữ liệu một cách hệ thống thay vì chỉ đơn giản là viết.
Không hình ảnh, không trang trí, không màu mè, Obsidian giải quyết vấn đề này cho mình. Ngoài ra, về việc thân thiện với người dùng thì mình thấy Notion xách dép cho Obsidian luôn. Hầu hết mọi chức năng của Obsidian đều có phím tắt trên bàn phím, hoặc đã được thiết lập sẵn, hoặc bạn có thể tự thiết lập cho phù hợp với tiến trình công việc của bạn. Tính điều hướng của Obsidian xứng đáng 11/10 điểm, không chỉ nhờ liên kết giữa các trang với nhau, liên kết bằng hashtag, các liên kết này còn được thể hiện một cách trực quan thông qua bản đồ liên hệ. Một điểm tuyệt vời nữa của Obsidian là bạn có thể mở nhiều ghi chú lên cùng một lúc và có thể đặt chúng cạnh nhau. Hiện tại Obsidian của mình vẫn đang trong quá trình tối ưu hoá, và dù chưa hoàn thiện thì nó cũng đã giúp mình trở nên hiệu quả hơn rất nhiều trong việc xây dựng bộ não thứ hai để quản lí tri thức.
—
Nhờ hệ thống này mà mình có thể quản lí tri thức một cách nhẹ nhàng, không gò bó. Thay vì phải không ngừng tối ưu hóa bản thân và cố gắng trở thành một cỗ máy năng suất, mình đã tối ưu hóa một hệ thống đáng tin cậy. Bộ não thứ hai giải phóng mình ra khỏi khuôn mẫu phải học phải nhớ, mình từ nay có thể đi lang thang về phía bất cứ điều gì và luôn có thể tìm lại những kiến thức một cách nhanh chóng.
08.09.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung phi lợi nhuận.
Mục đích của quá trình tích lũy kiến thức: tạo ra một hệ thống tri thức hữu hiệu cho bản thân nhằm vượt qua điểm tắc nghẽn thế giới phẳng là chết đuối về thông tin mà chết đói về tri thức. Bạn đã làm rất tốt với một chủ đích rõ rành