0
Your Cart

♡ ACA Bậc Certificate Tất Tần Tật ♡

ACA Bậc Certificate

ACA Bậc Certificate Tất Tần Tật

Mình vừa thi xong 6 môn của bậc đầu tiên – bậc Certificate của chứng chỉ ICAEW ACA, bao gồm Kế toán (Accounting), Kiểm toán (Assurance), Thuế (Principles of Taxation), Kinh doanh, công nghệ & tài chính (Business Technology & Finance), Luật (Law) và Thông tin quản lí (Management Information). Trong quá trình vừa đi làm, vừa học bài và ôn thi, mình rút ra một số kinh nghiệm và bài học mà theo đó, có lẽ công sức bỏ ra có lẽ đã hiệu quả hơn. Đó là lí do bài viết này ra đời.

1. Biết ta – Biết khi nào nên bắt đầu học

Cá nhân mình thấy, bắt đầu quá sớm với việc học ACA, đặc biệt ở bậc Certificate, không phải là tối ưu. Lí do là bởi vì, để hoàn thành một bậc Certificate này, bạn phải thi tận 6 môn. Nó không giống như CFA, khi bạn chỉ cần thi một bài duy nhất cho cả bậc, dù dàn trải ra nhiều chủ đề khác nhau. Lí do mình nói bắt đầu sớm không phải tối ưu, là bởi vì những bài thi này hoàn toàn có thể được học sát nút chỉ với mục đích đậu bài thi. Mình cảm thấy việc học này mang tính lí thuyết quá nặng, chỉ có tác dụng bổ trợ kiến thức nền tảng cho quá trình đi làm, chứ không phải kiểu học từng nào là biết từng đó 😅 [1]

Đối với việc ôn thi ACA bậc Certificate, bạn cần biết khi nào bạn thi môn nào. Nếu bạn được sắp xếp sẵn (như mình) thì bạn không cần phải lo việc này. Nếu bạn phải tự sắp xếp các môn thi, thì để cho bạn tham khảo, mình được sắp xếp học thi theo cụm 2 môn/lần, theo thứ tự:

  • Accounting + Assurance
  • Principles of Taxation + Business Technology & Finance
  • Management Information + Law

Kinh nghiệm của mình cho việc bắt đầu học các môn khi nào sẽ tuỳ thuộc vào nền tảng của bạn. Mình tốt nghiệp lĩnh vực Quản trị kinh doanh nên đã học kiến thức cơ bản của 5/6 môn ở đại học, chỉ có môn Assurance là mình phải học lại từ đầu.

Khung thời gian công ti sắp cho mình là thi 2 môn mỗi tháng, và mình vẫn đi làm toàn thời gian. Bạn không cần phải học sớm hơn thế, bởi vì mình cảm thấy 2 môn/tháng không hề bị vội. Chỉ có môn Accounting có lượng và kiểu kiến thức hơi lạ nếu bạn chưa học bao giờ nên sẽ cần nhiều thời gian hơn một chút, chứ các môn còn lại tự học rất đơn giản.

2. Biết địch – Biết học như thế nào là vừa đủ

Gì chứ đi làm 8 tiếng/ngày – chưa kể tăng ca – xong tối về còn phải học ôn bài là một trải nghiệm không nghỉ ngơi tí nào. Do vậy, hiệu quả là yếu tố quan trọng giúp bạn vẫn có đủ thời gian giải trí đồng thời vẫn đạt kết quả mong muốn. Từ nhỏ đến lớn, chúng ta đã quen với việc cần lấy điểm cao để xếp hạng và phân loại. Chúng ta so sánh bản thân với những người khác xem ai giỏi hơn, ai điểm cao thứ hạng cao hơn, ai lọt top 123 gì đó. Tuy nhiên, kì thi ACA bậc Certificate này lại không như thế.

Tất nhiên điểm cao là tốt, nhưng điểm cao quá lại không cần thiết. Quay lại ở trên mình đã viết, việc học và thi này lí thuyết quá nặng, nên điểm cao không hề đồng nghĩa với việc kiến thức của bạn chắc hơn. Chính bởi vì bản chất của việc ôn thi chứng chỉ này là thế, do vậy mình nghĩ chiến lược của việc học thi này chỉ nên vừa đủ để không trượt là được. Điểm đỗ của bài thi này là 55%, tức là bạn chỉ cần học làm sao để cao hơn điểm này là được. Điểm 100% không có nghĩa lí gì so với điểm 56% đâu.

Để bạn có thể cân nhắc sắp xếp thời gian học sao cho vừa đủ, bạn có thể tham khảo bảng thời gian học của mình dưới đây.

MônHọc trên lớpTự họcTổng thời gianĐiểm
Accounting39,5 giờ20 giờ59,5 giờ76%
Assurance17,25 giờ11,75 giờ29 giờ76%
Principles of Taxation6,25 giờ29,75 giờ36 giờ89%
Business Technology & Finance15,5 giờ15,5 giờ70%
Management Information17,5 giờ17,5 giờ82%
Law15 giờ15 giờ70%

Bạn thấy đấy, thật ra mình cũng không học chăm chỉ lắm đâu haha. Trong trạng thái lí tưởng thì mình sẽ đọc hết sách, làm hết các bài luyện tập, xử hết bộ câu hỏi, giải hết đề thi thử. Nhưng tất nhiên là trạng thái không hề lí tưởng tẹo nào. Mình có đọc hết sách cho toàn bộ 6 môn với trung bình 400 – 500 trang/môn, làm vài ba bài luyện tập nếu, không xử bộ câu hỏi (trừ môn Assurance thì mình xử hết), giải 2 – 4 đề thi thử mỗi môn.

Assurance, Business Technology & Finance, và Law là 3 môn thuần lí thuyết, không có toán, nên học rất khô và chán, mình đã phải lê lết cả tuần mỗi môn mới học được từng đấy giờ tự học đấy 😅 Mình vẫn đề xuất bạn đừng tự động bỏ thao tác học như mình, vì những bạn cùng học thi với mình đều cảm thấy bộ câu hỏi rất có hiệu quả. Mình đồng ý. Trong 3 môn lí thuyết không có toán, chỉ có môn Assurance là mình tự tin bước vào phòng thi, vì mình đã giải hết tất cả bộ câu hỏi. Còn 2 môn còn lại, mình không hề an tâm tí nào, và chỉ khi hoàn thành xong bài thi rồi kiểm tra lại, mình mới cảm thấy có khả năng qua môn. Áp lực này (rõ ràng là) không cần thiết, nên nếu có thể, bạn đừng để như mình 🙄

3. Tài liệu học & đánh giá của mình

Bạn có những sự lựa chọn về tài liệu học cho kì thi ACA bậc Certificate như sau:

  1. ICAEW có sách giáo khoa, bộ câu hỏi, và đề thi thử
  2. Kaplan có sách giáo khoa biên soạn lại, chương trình học online, bộ câu hỏi, và đề thi thử

Bạn có thể tải tài liệu miễn phí tại ♡ Tải Sách PDF Miễn Phí ♡.

Nếu cho mình chọn lại và đưa ra gợi ý cho những người đi sau, mình thấy bạn nên chọn mua sách chính thức và bộ câu hỏi của ICAEW, dù nó không phải xuất sắc. Mình cảm thấy sách viết khó hiểu, câu cú dài dòng, không thân thiện với người học gì cả. Một phần, có lẽ là vì mình là người nước ngoài, nên đọc sách tiếng Anh chuyên môn sẽ không dễ dàng như người bản xứ, dù trình độ tiếng Anh của mình không hề bèo. Rất nhiều kiến thức của kì thi ACA bậc Certificate này, không chỉ mình đã biết rồi, mà mình còn đã có kinh nghiệm thực tiễn từ công việc Phân tích và lên kế hoạch tài chính trước đây. Rõ ràng thực tế nó rất dễ, nhưng đọc sách xong lại khiến mình bị… lú 😥 Tuy vậy, mình vẫn nghĩ, thà dư còn hơn thiếu.

Ở chiều ngược lại, sách giáo khoa biên soạn lại của Kaplan bị ngắn và thiếu dữ kiện. Nếu bạn chỉ học từ sách này không thôi mà không có chương trình học online hoặc chương trình học trên lớp của Kaplan thì có những phần kiến thức bị thiếu diễn giải, đọc không hiểu gì. Số lượng phần nội dung bị như thế không nhiều, nhưng nó khiến mình cảm thấy có chút bất mãn nhẹ. Vì mình không phải trả tiền mà công ti trả cho việc học này, nên có lẽ sự bất mãn của mình sẽ không bằng bạn nếu bạn chọn trả tiền mua sách của Kaplan thay vì sách chính thức của ICAEW.

Sau một thời gian ngẫm nghĩ, mình nhận ra một điều, việc dạy Toán ở Vương quốc Anh rất kì lạ, mình cho là nó thiếu tư duy bản chất và logic của các con số. Cách giải thích của Thầy Cô, sách vở, và các nguồn tài liệu ở Anh liên quan đến toán đều rất dài dòng, không chỉ mỗi câu cú, mà còn không trực tiếp và đi thẳng vào trọng tâm. Mình có cảm giác, kiểu họ muốn lí giải một cách chi tiết, nhưng vì văn hoá sử dụng ngôn ngữ kiểu Anh (nói giảm nói tránh nhiều, không trực tiếp, nhiều từ đệm) khiến kiến thức trông khó hiểu hơn nhiều so với thực tế lẽ ra nó nên thế. Một đứa có giải HSG quốc gia Toán + IELTS 8.0 + sống ở nước ngoài 6,5 năm như mình, chỉ đọc mỗi cách giải thích tại sao lại dùng cộng trừ nhân chia trong sách của Anh mà tưởng như đang chơi nhào lộn… [2]

Đấy, do vậy, vẫn nên ♡ Học Từ Bản Chất ♡ thì hơn. [3]



[1] Lúc viết đến đoạn này, mình đột nhiên chững lại. Mình tự hỏi liệu có kiểu học nào mà không để áp dụng cho quá trình đi làm, kiểu học mà “học từng nào là biết từng đó” như mình nói hay không. Mình không mong muốn ý mình nói bị hiểu khác đi, nên mình hi vọng việc làm rõ ở đây là đủ hiệu quả.

Mình sẽ lấy ví dụ một khoá học mình từng tự học trên Coursera, là khoá học về lập trình VBA trên MS Excel. Đây là ví dụ mình cho là khá điển hình của kiểu học mà “học từng nào là biết từng đó”. Việc học VBA này chẳng liên quan gì đến “kiến thức nền tảng để bổ trợ cho công việc” cả, tức là nếu mình không có kiến thức về VBA thì nó chẳng ảnh hưởng gì đến năng suất công việc tư vấn tài chính của mình.

[2] Trong 2/3 môn có toán là Accounting và Management Information, đề bài đã giả định một bài giải nhiều bước. Điều này dẫn đến vấn đề lệch số do làm tròn ở các bước. Môn Principles of Taxation không dính vấn đề này vì bản chất của luật thuế. Về toán học mà nói, trong một bài thi, tình huống như thế này là không chấp nhận được, đặc biệt là bài thi chỉ tính kết quả, không tính điểm từng bước làm bài (như thi trắc nghiệm). Ví dụ:

Thay vì giải từng bước rồi làm tròn rồi thực hiện bước tiếp theo, mình nhìn đề và bấm thẳng máy tính trực tiếp 1 phép tính duy nhất để ra kết quả cuối cùng luôn:

107 ÷ 3 × 2 + 257 + 78 ÷ (1 ÷ 3 + 1 ÷ 2) ÷ 3 = 359,53

Đáp án không có 360, cũng chẳng có 359, đáp án gần nhất là 362. Mình cho rằng ra đề thi như thế này là phản sư phạm.

[3] Tại sao ♡ Học Từ Bản Chất ♡ lại quan trọng? Một bài toán được phát triển từ các dạng toán tiểu học siêu đơn giản tìm chi phí cố định (fixed costs) và chi phí biến đổi (variable costs) mà sách lại dạy thành công thức như thế này:

ACA Bậc Certificate

Mình không nói cứ công thức là dở. Ở một mức độ nào đó, việc chấp nhận công thức là hợp lí khi nó quá phức tạp, đòi hỏi quá trình nghiên cứu lâu dài, lượng kiến thức chuyên môn khổng lồ, v.v… nhưng tình huống này không phải như vậy, đồng thời cũng không cần lấy dao mổ trâu để giết gà, y = ax + b làm cái gì! Haizzzzz, cho mình than vãn xíu, chứ trong suốt quá trình học ACA bậc Certificate, mình đã nản không biết bao nhiêu lần khi đọc sách mất 15 phút mới biết người ta đang nói về một chủ đề cỏn con chỉ cần 1,5 giây để hiểu…

26.12.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết ACA Bậc Certificate Tất Tần Tật, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Học Tài Chính.

Bình luận