0
Your Cart

♡ Thay Đổi Có Đáng Sợ? ♡

“Thay đổi” liệu có phải là một điều đáng sợ? Đứng trước mỗi đổi thay, việc chúng ta có chút hoang mang cũng là điều khó tránh khỏi. Những sự chuyển tiếp như từ mẫu giáo lên tiểu học, từ tiểu học lên trung học, từ trung học lên đại học, từ đại học ra đi làm, từ ngành này sang ngành khác, từ độc thân đến thành gia lập thất, từ quê nhà lên thành phố, từ Việt Nam qua nước ngoài, v.v… Nếu trước đó bạn chưa từng có trải nghiệm tương tự, liệu bạn có dám khẳng định rằng bản thân sẽ bình thản đối mặt? Có thể, nhưng có lẽ khi và chỉ khi bạn đã chuẩn bị vững vàng. Càng về sau khi càng lớn lên, mọi thay đổi đều luôn đi kèm với những rủi ro nhất định.

1. Đi mẫu giáo

Bản năng của con người vốn dĩ là ngại thay đổi. Sự thật này không có gì mới. Trong lần đầu đi học mẫu giáo, các bé ai cũng sẽ khóc tu tu thôi.

Trong lần đầu đi nhà trẻ, Bố mình rất hay “ghé thăm” tận nơi vì Bố không muốn xa con gái rượu. Lúc đấy, trường mẫu giáo của mình cũng bé tẹo nên mình rất hay thấy Bố đứng ngoài cổng ngó vô. Mình nghe Mẹ kể, sau mấy lần như thế, Bố bị Cô giáo yêu cầu không đến trường nữa để mấy đứa trẻ còn hoà đồng với nhau 😜

Chả biết nguồn gốc từ đâu mà ở nhà mọi người cứ bảo “Ba là người đẻ ra Khánh Linh.” nên mình cũng tin răm rắp luôn, đến mức mình còn cãi Cô giáo là Mẹ không phải là người đẻ ra con hahahahahaha.

Sự thay đổi từ nhà ra mẫu giáo của mình chỉ đáng sợ 1 – 2 hôm rồi với sự hồn nhiên của con trẻ, mọi chuyện cũng tự nhiên đâu vào đấy.

2. Từ mẫu giáo lên tiểu học

Chúng ta sẽ dễ tin rằng từ mẫu giáo lên tiểu học chẳng có gì đáng sợ. Tất nhiên, mình khi 5 – 6 tuổi cũng chẳng đủ trải nghiệm để rút ra bất kì bài học gì. Tuy vậy, nhờ là chị cả của 3 đứa em + trải nghiệm khác người của cả 4 chị em mình, mình thấy sự thay đổi của giai đoạn này cũng có nhiều thứ đáng nói.

Không khó để bạn tìm được những bài báo tương tự như Dạy chữ sớm là làm hại trẻ thế này. Năm nào đến mùa tựu trường, những bài viết quan điểm về chủ đề này cũng nhan nhản. Mình không đứng về “phe” nào để nói đúng hay sai, nhưng mình có thể kể câu chuyện của 4 chị em mình, và những trường hợp mình đã chứng kiến.

Thay Đổi Có Thực Sự Đáng Sợ

4 chị em mình không ai học chữ trước khi vào lớp 1, hoặc ít nhất là Bố Mẹ mình đều không ép. Năm mình học lớp lá, cả lớp cứ đúng giờ là lấy bàn ghế tập vở ra học chữ. Mình là đứa duy nhất ngồi trong lớp chơi đồ chơi, vì Bố mình đích thân nhờ Cô giáo không dạy chữ cho mình. Thời gian đầu mình có hơi tủi thân xíu vì không có ai chơi cùng, nhưng sau đó mình thấy “Ờ, trong khi người ta phải học còn mình lại được chơi đồ chơi sướng thấy bà cố nội luôn.”, nên là mình cứ vui vẻ chơi thôi 😎

Người dạy chữ cho mình là Bà Nội. Do thời thế, Bà chỉ đi học đến lớp 4 rồi nghỉ. Bà vốn là nông dân, Ông Nội mình là thương binh, Bà không có tí nghiệp vụ sư phạm nào, cũng là người không được học đến nơi đến chốn nhất trong nhà mình, nhưng Bà mới là người dạy chữ cho mình. Nếu ngay cả như thế mà mình vẫn học chữ được, mình tin rằng không có lí do gì chúng ta phải ép buộc những đứa trẻ học chữ trước khi vào lớp 1.

Mình cũng chứng kiến câu chuyện “học chữ trước khi vào lớp 1” rất hài hước giữa em trai và em họ mình. 2 ẻm cùng tuổi nên học chung mẫu giáo, Bố mình là nhà giáo (dạy Hoá), Mẹ của em họ mình (mình gọi là Mợ) là nhà giáo (dạy Văn). Trong khi Mợ dạy em họ học chữ rất bài bản, mỗi tuần X buổi mỗi buổi Y tiếng, có kế hoạch hết sức chỉn chu buổi nào học bài nào thì Bố mình không dạy em mình chữ nào (haha – Bố mình mà lị).

Một hôm, tụi mình qua nhà em họ chơi đúng lúc em ấy đang học chữ. Em trai mình, với tính hiếu thắng, về bắt Bố phải dạy y chang. Bố mình dạy con không bao giờ là kiểu có kế hoạch cụ thể như Mợ mình đâu, mà thay vào đó, Bố dạy 1 buổi hết nguyên bảng chữ cái luôn haha.

Một hôm cũng y như thế, em họ mình đang học ghép vần, và Bố mình cũng chỉ dành đúng 1 buổi tối dạy ghép tất cả các vần cho em trai mình. Xong, 2 buổi là biết đọc 😂

Sự thay đổi từ mẫu giáo lên tiểu học này có lẽ đã không còn đáng sợ như trước, bởi ngày đầu tiên đi học đã không còn là trải nghiệm lần đầu nữa rồi.

3. Lớp 4, tin đồn và sự thật

Thời của mình, lớp 4 là năm xuất hiện thêm 3 môn Khoa học, Lịch sử và Địa lí thay thế cho môn Tự nhiên & Xã hội trước đó. Mình nghe tin này phong phanh từ những câu chuyện bà tám bên lề trong lớp. Do mình học hệ Song ngữ Pháp – Việt, năm đó cũng có thêm một tin đồn khác là khối Song ngữ cũng xuất hiện thêm 2 môn tiếng Pháp mới. Thật vậy, 2 môn Culture de la Francophonie CF và Connaissance de la Langue CL đã được hô biến ra.

Lớp 4 cũng đánh dấu cột mốc gia đình mình chuyển nhà từ tỉnh lên TP.HCM. Có, trường hợp này mình sẽ trả lời là có, thay đổi này thật sự đáng sợ. Câu chuyện năm lớp 4 đã được mình kể sơ 1 lần trong bài viết 20/11 Kể Chuyện Đi Học Và Thầy Cô và chi tiết hơn trong Lựa Chọn “Từ Bỏ Cuộc Chơi”?.

Chương trình Song ngữ năm lớp 4 chứng kiến sự thay đổi sách giáo khoa, nhưng vì chuyển nhà nên mình không hề biết điều đó. Hơn nữa, khi ở tỉnh, vì thiếu điều kiện nên thư viện nhà trường có sách cho học sinh mà không phải mua. Trường tiểu học ở TP.HCM thì không như vậy. Các bạn (mới) trong lớp đều đặt mua được sách giáo khoa mới từ năm trước với nhà trường, còn mình thì bắt đầu năm lớp 4 rất chơi vơi: không có sách, không có bạn, đã thế còn bị nhiều bạn (và phụ huynh của các bạn) coi thường vì xuất thân dân tỉnh.

Xu cà na hơn nữa, cũng trong năm lớp 4, trong một hôm trực nhật, sau giờ ra chơi, Cô giáo có nói bóng nói gió về việc mình mắc lỗi. Cô bảo, lỗi của mình là mất dạy, tò mò khi Cô có phụ huynh đến thăm. Vì quá ngây thơ, mình chỉ hiểu được là Cô đang nói mình (vì mình là đứa duy nhất ở trong lớp trong giờ ra chơi) nhưng mình không thể hiểu nổi mình đã làm gì sai. Tất nhiên, dù ở trong lớp, mình cũng chẳng nghe được Cô và phụ huynh nói gì, mình chỉ lo đọc truyện thôi. Cho tới tận sau này, khi học lớp 9, ngẫm nghĩ lại về chuyện ngày xưa, mình mới hiểu ra, à hoá ra Thầy Cô không phải ai cũng “tốt” như mình vẫn tưởng.

Tất cả những điều không tốt đẹp nhất trong việc học đều đến với mình năm lớp 4. Đây là năm học duy nhất trong 12 năm phổ thông mình không có danh hiệu học sinh giỏi. Trong khi các lớp tiểu học trên mọi miền thường có 80 – 90% học sinh giỏi, lớp mình năm đó chỉ có 25%. Nếu bạn liên kết với câu chuyện trên, cộng thêm xíu suy đoán, chắc bạn sẽ hiểu thôi 🙂

Tất nhiên, bây giờ lớn rồi, mình hiểu rất rõ rằng tất cả những câu chuyện khi xưa đều chỉ là chuyện cỏn con. Mình dù chưa từng để tâm đến danh hiệu học sinh giỏi, nhưng mình 9 tuổi không mạnh mẽ và lí trí như mình bây giờ. Người phụ huynh thăm Cô giáo ấy và người phụ huynh coi thường xuất thân dân tỉnh của mình là cùng một người. Lớn rồi, trưởng thành rồi mới biết, hoá ra người xấu ở trên đời cũng có thể ở gần chúng ta lắm. Chúng ta có thể rất vô tư với người khác, nhưng đáng tiếc họ không vô tư lại với chúng ta xíu nào, họ tính toán từng li từng tí, họ tận dụng mọi nguồn lực có thể để đạp ta xuống với hi vọng nâng vị thế của họ lên. Không sao, mình bây giờ dù không xuất chúng nhưng đã có đủ nền tảng để tự tin ngẩng cao đầu.

4. Tiểu học lên trung học

Tiểu học chỉ có 5 môn tính điểm: Toán, Tiếng Việt, Khoa học, Lịch sử và Địa lí. Trung học có tận 11 môn: Toán, Vật lí, Hoá học, Sinh học, Ngữ văn, Công nghệ, Giáo dục công dân, Ngoại ngữ, Tin học, Lịch sử và Địa lí. Từ 5 lên 11 là quá nhiều, đấy là chưa kể còn có thêm môn Toán và Vật lí bằng tiếng Pháp của chương trình Song ngữ. May thay, cách xếp loại học lực đã không còn như xưa rằng phải 9 – 10, nay con số này chỉ còn 6.5, thế thì lại chả dễ quá 😌 Mình cũng không cần phải có học sinh giỏi, kiểu mình cứ học đại thôi điểm ra nhiêu thì ra, mà mình vẫn chỉ bị xuống tiên tiến ở học kì 1 năm lớp 8 vì Sinh 6.4 ahihii.

Thêm môn học, dù cũng là một sự thay đổi, lại không có đáng sợ nữa, bởi mình đã trải nghiệm nó 1 lần ở lớp 4 rồi, chỉ là lần này ở quy mô to hơn xíu. Thế mới nói, trải nghiệm luôn là phương thức hiệu quả để lên tiếng. Điều khiến mình suy nghĩ nhiều hơn lại là quyết định từ bỏ chương trình Song ngữ sau lớp 9 và thi vào Phổ Thông Năng Khiếu. Mình khá tiếc quyết định đấy năm lớp 10 vì môi trường hơi độc hại mà mình trải qua, nhưng lớp 11 môi trường ấy thay đổi hẳn khi mình đổi chỗ ngồi.

Trong giai đoạn này có cột mốc thi tuyển sinh vào 10. Ban đầu mình không nghĩ nó có vấn đề gì, vì mình thi thố cũng nhiều rồi nên tâm lí phòng thi của mình khá vững vàng. Tuy nhiên, ở góc độ của một nhà giáo là Bố, mình cũng được Bố phân tích cho là thi tuyển sinh vào 10 còn căng hơn thi tuyển sinh đại học, bởi nếu trượt đại học bạn luôn có cơ hội năm sau thi lại, nhưng tuyển sinh vào 10 chỉ có một cơ hội duy nhất trong đời, nên trên lí thuyết đây là bước đi không thể đi sai. Hơn thế nữa, trung học phổ thông cũng là bậc học quan trọng nhất trên hành trang vào đời (18 tuổi) của mỗi người. Dù khá đồng ý với điều này, mình biết lực học của mình không sợ trượt kể cả những trường THPT top đầu. Vì sức học tốt + chương trình Song ngữ Pháp – Việt, vốn không cần thi mình cũng biết 100% mình sẽ vô được THPT chuyên Lê Hồng Phong rồi, thậm chí là sẽ đỗ rất cao. Và sự thật đúng là vậy, mình còn chẳng thèm ôn thi tuyển sinh (haha), mình chỉ ôn thi Năng Khiếu thôi vì đề Năng Khiếu khó.

Thay đổi này đối với mình đã không có đáng sợ nữa, bởi càng học mình càng vỡ lẽ ra năng lực của bản thân.

5. Từ Việt Nam sang Thuỵ Sĩ

Khi ở ngoài sân bay với cả nhà mình vẫn còn rất vui tươi. Cho đến khi đi cùng Bố đến quầy làm thủ tục rồi được Bố đưa đến cổng soi chiếu hành lí, Bố đã không thể tiếp tục đồng hành cùng mình trong những bước chân tiếp theo. Thay đổi này có đáng sợ, bởi Bố chỉ vừa mới quay đi là mình khóc, y như lúc mình khóc khi lần đầu đi học mẫu giáo ấy. Do mình lần đầu ra nước ngoài nên Bố Mẹ mua cho mình vé máy bay của Vietnam Airlines để nếu có gì thì ở nhà Bố Mẹ tiện hỏi han. 12 tiếng trên chuyến bay đến Pháp ngoài ăn ngủ là mình khóc, có quá trời phim để coi mà mình chả coi phim nào luôn. Đã thế đến nơi mình còn bị đau bao tử nữa chứ, đúng là không có cái xui nào như cái xui nào. May thay trước khi qua Thuỵ Sĩ mình có quen được 1 bạn ngoài Hà Nội, 2 Mẹ cũng gặp nhau cho biết nhau, nên khi qua cũng được nó dẫn đi làm quen với mấy đứa khác, okeeeeee.

Mình cũng thuộc dạng thích nghi tốt, nên là cũng không gặp mấy khó khăn, cũng may mắn là mình có thể giao tiếp tốt bằng tiếng Pháp và tiếng Đức nữa nên nếu cần lúc nào cũng hỏi han mọi người xung quanh được. Lúc mới qua mình không biết uống nước ở đâu vì không ở đâu có bình nước ngoại trừ nhà hàng của trường. Người nhắc mình có thể uống được nước từ vòi là Mẹ khi mình gọi điện về bảo là con cứ phải mua nước mà nước mắc như quỷ. Mình cũng cẩn thận, hỏi thêm mấy Cô lao công trước khi thực sự uống 😅

Những năm cấp 3 rèn luyện cho mình cá tính mạnh mẽ và sự lí trí khá tốt. Ở Thuỵ Sĩ, mình không thân được với nhiều nhóm bạn vì phong cách sống quá khác biệt. Hoặc là họ tiệc tùng nhiều hơn mình thường ngày, hoặc là họ tiêu tiền nhiều hơn mình mong muốn, nên mình chủ yếu chú tâm vào học, xây dựng hồ sơ, tìm hiểu thị trường lao động, đúng nghĩa là phát triển bản thân luôn vì ngoài phát triển bản thân ra thì mình không biết làm gì khác. Mình có bị nhiều người coi thường vì “nghèo”, nhưng cũng nhờ tỉnh táo nên mình không bị tủi thân trước những cái nhìn như vậy. Nếu Bố Mẹ có khả năng chi trả cho mình học Les Roches, mình hiểu rất rõ “nghèo” chắc chắn là không phải rồi. Mình sẵn sàng “nghèo” để phát triển ở lĩnh vực mình mong muốn dựa trên năng lực bản thân hơn là dùng tiền của Bố Mẹ mua những chiếc túi xách vài chục vài trăm triệu để đua đòi. Nếu đó là tiền mình làm ra thì mình rất sẵn sàng, nhưng mình lúc đó không kiếm được nhiều tiền vậy.

6. Lần đầu đi làm

Lúc ấy việc viết CV, viết thư ứng tuyển và phỏng vấn đối với mình là cả một chân trời mới khi mình vừa không biết bản thân muốn gì mà cũng chẳng biết thị trường tuyển dụng yêu cầu gì. Vì khiêm tốn, mình chỉ xin những môi trường quy mô nhỏ. Cuối cùng, mình được nhận vào một khách sạn quốc tế nhượng quyền 3 sao thương hiệu Best Western 69 phòng ở Pháp. Đây là bước ngoặt lớn nhất trong sự nghiệp của mình, khỏi bàn cãi.

Nó là bước ngoặt lớn nhất không phải bởi vì đây là công việc đầu tiên của mình, mà là cuộc đời mình quá may mắn khi gặp được một người Sếp như Tổng Quản lí kiêm Chủ đầu tư của doanh nghiệp này. Ngay cả ở thời điểm bây giờ, bạn sẽ rất rất rất hiếm tìm được một người Sếp sẵn sàng hướng dẫn bạn bước từng bước trên bước đường sự nghiệp, viết CV như thế nào, môi trường và thị trường các nơi khác 5 ra sao, định hướng như thế nào thì phù hợp, cách nói chuyện với các đồng nghiệp giữ các vị trí khác nhau, những con đường khác nhau dẫn đến những tương lai khác nhau như thế nào. Không chỉ có thế, Anh í còn dạy cho mình rất nhiều bài học trong cuộc sống về văn hoá Âu – Á nhờ dòng máu lai Pháp – Hàn, Anh í dạy cho mình cả những điều tế nhị thường không ai nói với bạn trừ Cha Mẹ. Anh í còn ngồi tâm sự với mình khi mình buồn ơi là buồn vì đọc được một bài báo lá cải bằng tiếng Pháp nói xấu trường Les Roches của mình và góc nhìn không thiên vị của Anh í với cương vị một nhà tuyển dụng.

Ban đầu mình nghĩ những giá trị mình nhận được từ Anh í chỉ đơn thuần là Anh í là người có tính cách như vậy. Mình đã sai. Sau mình đã có những sinh viên khác cũng đến thực tập ở đây nhưng không có ai đã từng phản hồi lại với mình trải nghiệm của họ như mình. Ở thời điểm hiện tại mình nghĩ nó phần nhiều xuất phát từ việc mình không ngại đặt câu hỏi, kể cả khi những câu hỏi đó có tế nhị. Mình trẻ, Anh í hiểu rất rõ điều đó, nên Anh í thường sẵn sàng trả lời bất kì câu hỏi nào của mình.

Tất nhiên, bởi không có nhiều trải nghiệm, mình cũng đặt những câu hỏi vô lí hoặc vô duyên. Anh í sẽ giải thích cho mình tại sao không nên hỏi như vậy, và nếu phải trả lời Anh í sẽ trả lời thế nào, thậm chí mắng ngược mình trở lại. Lần đầu tiên mình bị như vậy là khi mình hỏi Anh í “pad” (băng vệ sinh) và “tampon” (tampon) khác gì nhau. Dù cố gắng giải thích cho mình sự khác biệt, Anh í vẫn phải cảm thán vô 1 câu “Bà là phụ nữ mà bà lại hỏi tui câu này.” Lúc đó mình nghĩ cũng đơn giản, chỉ là giải thích ý nghĩa khác nhau của 2 từ tiếng Anh thôi mà. Trưởng thành rồi mới thấy đúng là không thích hợp. Lần thứ hai là khi mình bị Quản lí Tiền sảnh mắng. Mình chẳng nhớ mình bị mắng cái gì, chỉ là sau đó mình có tìm Anh í kể lể. Vẫn một lần nữa giải thích cho mình góc nhìn của người Quản lí kia, Anh í lại cảm thán “Bà phải biết vị trí của mình ở đâu chứ.” Thôi thì quá tam ba bận, mình kể nốt chuyện thứ ba. Hôm đó khách sạn xảy ra tình huống đột xuất, Anh í phải túc trực ở sảnh cùng mình. Trong lúc không có khách hỏi han gì, mình với Anh í lại trò chuyện với nhau. Mình bất chợt nói “Tui mới 18 tuổi, tui còn nhỏ mà.” thế là ngay lập tức bị Anh í phản lại “Nếu bà còn nhỏ thì tui đã chẳng mời bà về đây làm. Trưởng thành lên!”

7. Làm trái ngành

Là một người làm nội dung, mình cũng rất hay lang thang trên các diễn đàn hội nhóm. Mình đã từng trải qua giai đoạn phải chọn ngành chọn trường những năm 17 – 18 tuổi đó, nên mình rất hiểu tâm lí không an lòng của các bạn trẻ. Tuy nhiên, dù cũng được xem như là một hình mẫu, mình vẫn làm trái ngành sau tốt nghiệp đại học. Dù vậy, điều đó không hề chứng tỏ rằng sự lựa chọn ngành học của mình là sai lầm.

Ở thời điểm mình lựa chọn nhất quyết không theo vận hành khách sạn nữa, mình đã đủ vững tin từ trải nghiệm những sự thay đổi trước đó. Cũng giống như những bạn học sinh sinh viên càng có nhiều trải nghiệm phòng thi vì họ không chỉ thi cử trên trường lớp mà còn các kì thi bên ngoài thì họ sẽ có tâm lí phòng thi khá ổn định. Mình không chỉ không còn sợ những thay đổi này, mà mình hiểu rất rõ, rất chắc chắn tại sao sự thay đổi lại cần thiết.

Khi cả thế giới đều đi lên, việc đứng yên chính là bạn đang thụt lùi. Không nhất thiết bởi vì bạn giỏi Toán Hoá Sinh mà phải theo nhóm ngành chăm sóc sức khoẻ, không nhất thiết vì ngành truyền thông đang hot mà bạn phải theo học marketing. Con đường chọn trường chọn ngành luôn nhiều ngã rẽ, do tâm lí hội chứng sợ bỏ lỡ (fear of missing out) mà chúng ta dễ ngộ nhận rằng sẽ luôn có một phương án tối ưu tồn tại ngoài kia. Chỉ tiếc là, mỗi người trong chúng ta đều là một là riêng là duy nhất. Sự lựa chọn là do bạn đưa ra, bạn hãy chịu trách nhiệm về nó hơn là nghĩ rằng bản thân thật kém cỏi khi ngày xửa ngày xưa đã lựa chọn sai lầm. Thật ra mình thấy, sai lầm mới tạo nên bản thân bạn. Không có những sai lầm đó, bạn đã chẳng là bạn nữa rồi. Nếu đó không phải là những sai lầm không thể quay đầu, chắc chắn trên đời vẫn tồn tại phương án giải quyết. Bạn biết đó là sai lầm, vậy hãy cố gắng hiểu bản thân hơn, hiểu thị trường hơn để không mắc phải chính sai lầm đó một lần nữa.

Mình dùng phương pháp Ikigai mỗi lần muốn đưa ra một quyết định quan trọng nào đó. Mình đã từng giải thích cách mình sử dụng Ikigai để đi Từ Quản Trị Khách Sạn Đến Tài Chính. Bạn cũng có thể dựa vào đó cộng thêm những nghiên cứu riêng để xác định phương hướng cho mình.



Ở tuổi thơ và niên thiếu, bạn không được coi là trưởng thành, những vấp ngã của bạn (hay của mình) đều có người giám hộ chịu trách nhiệm (một phần hoặc toàn phần). 18 năm được hầu hết các hệ thống cho rằng là đủ để một người có thể chấp nhận hầu hết mọi vấn đề của riêng họ. Những thay đổi mới nhìn chung có đáng sợ, nhưng mình hi vọng với 18 năm lớn lên bạn đã có thể phần nào hiểu được bản thân để đưa ra những quyết định hợp lí cho tương lai chính bạn.

Kể cả khi bạn có sai, hãy sẵn sàng làm lại. Tuổi trẻ cho chúng ta thời gian để đứng lên, thứ mà khi về già chúng ta càng ngày càng thiếu. Mình chỉ mong bạn hãy làm mọi thứ khi còn có thể, để sau này bạn không phải thốt lên 2 từ “giá như”.

Mình cũng muốn giới thiệu đến bạn một cuốn sách rất ngắn nhưng tuyệt vời có thể giúp bạn thích nghi tốt hơn với mọi đổi thay trong cuộc sống. Cuốn sách rất đơn giản tưởng như dành cho trẻ con, mà phải chăng chính người lớn mới là người đã phức tạp hoá cuộc sống lên? Cuốn sách mang tên Who Moved My Cheese?

03.05.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung phi lợi nhuận.

Bình luận