0
Your Cart

♡ Phản Hồi “Du Học Thuỵ Sĩ – Đời *** Như Mơ” ♡

linh janetta le

Phản Hồi “Du Học Thuỵ Sĩ – Đời *** Như Mơ”

Mình đọc được bài viết này khi là sinh viên năm 2 đi thực tập tại Pháp. Mình đã rất rất muốn phản hồi ngay lúc đó, vì mình hiểu được tại sao tác giả lại viết như vậy. Tuy nhiên, mình biết mình phải chờ thơi cơ chín muồi, khi mình đã xây dựng được cho bản thân một hồ sơ đủ chắc chắn thì mới có thể lên tiếng để trải nghiệm sống của mình được “già” hơn. Bài gốc nằm ở đây, dù mình sẽ trích lại cả bài. Bản gốc là bản “full không che”, bản trích lại của mình là bản “che” nha, chúng ta văn minh lịch sự, hì.

DU HỌC THỤY SĨ – ĐỜI *** NHƯ MƠ
Bài này, viết để cung cấp thông tin cho những gia đình đang có kế hoạch bằng mọi giá đẩy con em đi du học với mục đích ở lại nước ngoài, hoặc chí ít hi vọng con cái có tiền lao động gửi về theo lời hứa cuội của các trung tâm tư vấn du học bất lương.
I – Du học sinh tạm chia ra 2 nhóm:
-Nhóm 1: Các dạng elite như nghiên cứu sinh cao học, các dạng được nhận học bổng của các trường, các quỹ giáo dục, các tổ chức phi chính phủ, các dạng sinh viên trong các chương trình trao đổi giáo dục, các dạng sinh viên tự túc thuộc thành phần gia đình phú gia địch quốc cho con cái đi học với mục đích cho con có trải nghiệm quốc tế, khi cần ở lại sẵn sàng bỏ ra nửa triệu đô mua thẻ xanh dạng đầu tư trong 2 nốt nhạc,… => Nhóm này, ước đoán chỉ nằm trong số 1/10 du học sinh và không thuộc đối tượng nói tới trong bài viết này.


Đoạn này mình không có phản hồi gì. Dù đối tượng là ai, họ đã không nằm trong nhóm đối tượng được nói tới thì mình cũng sẽ không đề cập gì thêm.

– Nhóm 2: Chiếm tuyệt đại đa số các du học sinh đi với mục đích kiếm cửa ở lại, số rất đông thuộc thành phần gia đình không mấy khá giả, thậm chí nhiều gia đình còn vay mượn để đẩy con đi bằng mọi giá. Dễ hiểu, làm 1 phép tính sơ sơ, 2 năm du học tự túc tại Thụy Sĩ chi phí ít nhất dăm bảy trăm triệu tới cả tỉ đồng, chỉ để đổi lấy một tấm bằng trung cấp về Việt Nam nhận lương vài triệu thì đây là kênh đầu tư lỗ sặc máu.

Đoạn này có điều chưa hoàn toàn thuyết phục.

Nếu tác giả đã lên tiếng “chiếm tuyệt đại đa số các du học sinh đi với mục đích kiếm cửa ở lại” thì nên có dẫn chứng số liệu thống kê chứng minh rằng nhóm này đông hơn mọi nhóm du học sinh khác. Nếu không có dẫn chứng, thay vì nói “tuyệt đại đa số” thì tác giả có thể nói “rất nhiều” vì mỗi người sẽ có một khái niệm “rất nhiều” khác nhau, còn đã lên tiếng “đa số” thì cần có dẫn chứng để thuyết phục rằng đây thực sự là “đa số“, tức là có tỉ lệ nhiều hơn tất cả các nhóm khác. Ít nhất, mình không tin tuyệt đại đa số du học sinh đi du học với mục đích kiếm cửa ở lại. Đất lành chim đậu, nơi nào có cơ hội phù hợp với định hướng của họ hơn thì họ lựa chọn thôi. Không phải lúc nào ở lại cũng tốt hơn, mà không phải lúc nào về cũng tốt hơn. Như đằng sau tác giả nói “số rất đông” và “nhiều gia đình“, bởi sự tồn tại của nhóm đối tượng kiểu này rõ ràng là có, chỉ là chúng ta không biết có bao nhiêu và so sánh với các nhóm đối tượng khác thì như thế nào.

Phần “2 năm du học tự túc tại Thụy Sĩ chi phí ít nhất dăm bảy trăm triệu tới cả tỉ đồng” thì mình đồng ý. 700 triệu cho 2 năm là mỗi năm 350 triệu, mỗi tháng khoảng 30 triệu cho du học Thuỵ Sĩ tự túc là hợp lí, vì chi phí ăn ở + học phí nếu thấp thì rơi vào tầm này (xem thêm tại đây).

May mắn là mình đã trải nghiệm việc học ở Thuỵ Sĩ lấy bằng trung cấp về Việt Nam xin việc, nhưng thu nhập của mình rơi vào khoảng 17 triệu/tháng lên xuống ít nhiều tuỳ giai đoạn. Mình xin việc bình thường như bao người, không COCC, không đi đường tắt gì cả. Do vậy, khi có ai đó “đổi lấy một tấm bằng trung cấp về Việt Nam nhận lương vài triệukhông có nghĩa là bản thân bạn cũng chỉ có vậy. Bạn có rất nhiều cơ hội để làm cho bản thân không thuộc nhóm đó. Mình đã thành công, và nếu mình làm được thì chứng tỏ là có con đường, bạn chỉ cần đi đúng hướng. Nếu bạn không làm được, thì vấn đề nằm ở bạn, không phải ở “du học Thuỵ Sĩ”.

Nếu xét về lãi lỗ, thì 700 triệu chi phí cho thu nhập 17 triệu/tháng, kể cả khi mình không được lên chức lên lương gì thì chi phí này sẽ được hoàn vốn trong hơn 41 tháng, tức chưa đầy 3.5 năm. Trong 3.5 năm đi làm mà không lên chức lên lương tí nào chắc mình cũng bèo lắm á, nhất là với thị trường công việc của mình. Với chi phí 700 triệu và 3.5 năm hoàn vốn khi tuổi trẻ, mình không cảm thấy đây là một loại “đầu tư lỗ sặc máu“. Thật ra đồng thời mình cũng không rõ, liệu khi tính hoàn vốn thì mọi người tính thế nào. Nếu tính thu nhập về chưa bao gồm phí sinh hoạt (là cách tính của mình ở trên) thì sẽ có người bảo con số này không thực tế vì chi phí ăn ở chưa bao gồm (hồi đó mình được bao ăn ở nên 17 triệu đó là về tay luôn). Nếu mà trừ chi phí ăn ở thì mình thấy cũng khập khiễng vì nhu cầu thuê nhà và ăn uống của mỗi người khác nhau, giá cả thị trường ở các thời điểm khác nhau cũng khác, nên phần để dành được của họ cũng khác nữa. Mình áp dụng cách tính ở trên là để cho đều với mọi người, kiểu nếu ai vào vị trí đó chỗ đó thì thu nhập cũng trên dưới từng đó, còn nhu cầu chi tiêu sinh hoạt của ai thì phải tự cân nhắc tình hình tài chính riêng thôi. Đấy là trường hợp giả định dựa trên chi phí du học Thuỵ Sĩ dù thấp nhất vẫn được cho là rất cao và thu nhập thực tế của mình khi cầm bằng trung cấp về Việt Nam xin việc.

Ban đầu mình không tính viết đoạn này, nhưng mình nghĩ để có cái nhìn rõ ràng về tình hình cân đối tài chính thì mình sẽ tính toán một chút. Chi phí học đại học của mình tại Les Roches và Glion là hơn 3.7 tỉ, bao gồm toàn bộ những chi phí bắt buộc như học phí, sinh hoạt phí, bảo hiểm, v.v…, không tính chi phí hành chính phát sinh như xin visa hay vé máy bay. Vốn dĩ chi phí đi học Glion trường mình bình thường rơi vào khoảng 5.3 tỉ, nhưng nhờ nhiều điều kiện học bổng và hỗ trợ tài chính nên tổng chi phí của mình giảm xuống. Tổng thu nhập của mình (đã trừ thuế và bảo hiểm, không trừ chi phí sinh hoạt) trước khi tốt nghiệp cử nhân là gần 1 tỉ, tức là mình còn khoảng 2.7 tỉ cần lấy lại vốn sau tốt nghiệp. Có nhiều con đường để bạn đi làm ở nước ngoài giúp rút ngắn quá trình lấy lại vốn này, như xin việc tại các công ti có bảo trợ visa tại các quốc gia thu nhập cao (ví dụ như UK – khá khó nhưng bền vững), hay đi Mĩ dưới visa J1 trong 12 tháng (dễ như ăn kẹo). Hiện tại lương của mình là 77 triệu trước thuế và bảo hiểm, trong trường hợp vài năm liên tục mình không lên chức lên lương tí nào thì quá trình lấy lại vốn của mình sẽ mất khoảng 3 năm rưỡi sau tốt nghiệp, quay về cách tính lấy lại vốn ở trên 🙂

Khi nghe đến việc bỏ chi phí vài tỉ du học thì mọi người dễ nghĩ đến “lỗ sặc máu”, âu cũng là thường tình. Nhưng nếu tính toán đúng và sinh viên đầu tư phát triển bản thân hợp lí thì giá trị của việc du học mang lại thật ra lại chính xác như kì vọng của mọi người vào việc du học. Toàn bộ thu nhập của mình là làm công ăn lương đóng thuế qua công ti như bao người, không có khởi nghiệp hay làm nghề tay trái thu nhập thụ động gì. Toàn bộ giá trị tiền đã tính để đơn giản đều bỏ qua giá trị thời gian của đồng tiền (tức là 1 đồng hôm qua có giá trị cao hơn 1 đồng hôm nay) [1]. Vậy nên, đầu tư cho du học Thuỵ Sĩ sẽ không “lỗ sặc máu” nếu chính người đi học tận dụng được nguồn lực tuyệt vời mà du học mang lại.

Việc lựa chọn du học với chi phí cao hơn tối thiểu mình vẫn cho đấy là sự lựa chọn, vì các thông tin này có thể tính toán được trước khi đưa ra quyết định. Do vậy, họ phải chịu trách nhiệm với lựa chọn đó. Hơn nữa, nếu đã xem du học Thuỵ Sĩ là một kênh đầu tư thuần tuý về tiền bạc thì có lỗ cũng là chuyện thường tình. Ví dụ, khách sạn Hotel de la Coupole – MGallery được Sun Group đầu tư khoảng 65 triệu USD (xem thêm tại đây), trong 3.5 năm từ khi mở cửa liệu khách sạn có thu về 65 triệu USD doanh thu như mình thu hồi vốn du học không? Tất nhiên sự so sánh này khập khiễng, nhưng nó đáng để so sánh khi cố chấp coi việc du học như một kênh đầu tư giá trị tiền bạc lãi lỗ ngắn hạn đơn thuần.

Những gia đình thuộc nhóm này nên tham khảo kĩ các thông tin dưới đây.
II – Thông tin từ các công ti tư vấn du học ở Việt Nam cung cấp:
– Thường cố gắng tô hồng cuộc sống ở nơi sắp đến, và che giấu, mập mờ hoặc thậm chí lờ mẹ các thông tin bất lợi để dụ người cần tư vấn vào bẫy.
Thông tin phía công ti tư vấn thường được các du học sinh trần thuật lại: Được hứa hẹn du học sinh sang tới Thụy Sĩ sẽ có quyền đi làm 15-20 tiếng mỗi tuần, việc làm rất dễ kiếm, lương tối thiểu 18-25 CHF/giờ (gần 600K Giao Chỉ tệ), thậm chí có đứa được tư vấn là đi làm thỏa mái lương cao, chỉ trong vòng một vài tháng là dư sức tự trang trải thậm chí còn có tiền gửi về, cơ hội ở lại sau khi kết thúc thời gian học khá dễ dàng… Có cái *** ý!
– Phần này các công ti tư vấn không nói: rẻ nhất là chi phí học phí cho các trường học tiếng từ 9-10K CHF, các trường khách sạn du lịch hoặc kinh doanh giá giao động 20-45K. Ngay khi một con gà chốt hạ hồ sơ, công ti tư vấn sẽ có 20% hoa hồng tươi chiết khấu (chưa kể khoản bo bo của các gia đình). Nói chung kèo thơm thính thơm + say máu và thiếu thông tin, nhiều gia đình thậm chí còn vay ngân hàng để cho con cái lên đường. Gánh nặng nợ nần + kì vọng dồn lên vai ***** Việt kiều non *** nói nhiều. Đời *** *** từ đây.


Chúng ta là người Việt Nam, và đất nước mình có khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật” từ những năm 1980. Khi đi đến bất kì nơi nào, bất cứ ai cũng cần trang bị cho mình vốn kiến thức pháp lí được áp dụng tại nơi đó. Các thông tin pháp lí cần được lấy từ những cơ quan và tài liệu chính thống của chính phủ. Nếu bạn không lấy thông tin từ những nguồn đó, điều duy nhất kết nối bạn với thực tế chỉ là “niềm tin”. Bạn lựa chọn tin người xa lạ một cách mù quáng không kiểm chứng?

Công ti nào nói câu “du học sinh sang tới Thụy Sĩ sẽ có quyền đi làm 15-20 tiếng mỗi tuần, việc làm rất dễ kiếm, lương tối thiểu 18-25 CHF/giờ” và các mục sau đó bất lương thật vì họ nói không đầy đủ, nhưng bạn cũng cần phải kiểm chứng thông tin chính thức chứ. Ai nói gì bạn cũng tin à, đến mức bỏ ra vài trăm triệu đến vài tỉ mà bạn cũng không thèm tra Google lấy một giây? Trang này là trang chính thống đề cập rất chi tiết về điều kiện làm việc cho sinh viên các quốc tịch khác nhau tại Thuỵ Sĩ, tốn mấy phút tra Google là ra thôi.

Đề cập đến vấn đề số tiền lớn, pháp luật, và “niềm tin”, mình nhớ đến sự kiện 39 người Việt trong container đông lạnh tại Anh cùng câu nói của Donald Trump về hợp đồng tiền hôn nhân. Dù có thích, có hiểu, và có đồng tình hay không, cả 2 câu chuyện đều có những giá trị đáng chiêm nghiệm. Mỗi cá nhân xuất khẩu lao động bất hợp pháp đó, họ có khả năng gom vài trăm triệu hay cả tỉ đồng để đi theo đường dây sai trái đó. Nếu họ thực sự không có điều kiện, dù có gom thế nào họ cũng không gom được số tiền lớn đến vậy, vì ai sẽ cho họ vay, họ lấy gì để đánh đổi giá trị đến cả tỉ đó? Cứ coi như họ bán nhà bán xe bán cửa bán ruộng vườn vay mượn thêm anh chị em cô dì chú bác dòng họ hàng xóm và cả ngân hàng với giá trị lên đến cả tỉ đồng, với mục đích cho 1 người duy nhất trong nhà đi xuất khẩu lao động bất hợp pháp, vậy ít nhất họ cũng đã từng sở hữu tài sản giá trị đến thế, và họ lựa chọn đánh đổi giá trị tài sản của họ cho con đường sai trái đó, chúng ta còn có thể nói gì nữa đây? Liệu chúng ta có nên trách “niềm tin” của họ vào lời hứa hẹn của những người xa lạ? Từ đó dẫn đến câu chuyện của Trump khi lên tiếng về hôn nhân, cũng là về tình yêu (trong đó có niềm tin), tiền bạc và luật pháp. “Hôn nhân là một loại hợp đồng không giống như bất kì hợp đồng nào khác trong cuộc sống. Bạn kết hôn vì tình yêu. Nhưng chữ kí của bạn trên giấy chứng nhận kết hôn bao gồm tất cả về quyền, nghĩa vụ và tài sản. Đó là một hợp đồng ràng buộc về mặt pháp lí, nó không biết gì về tình yêu.” Không ai tiến vào hôn nhân của bản thân với mong muốn nó sẽ kết thúc cả. Hơn nữa, chắc chắn đây không chỉ là suy nghĩ của mỗi Trump mà còn của rất nhiều người khác. Chúng ta tin người mình yêu, tiến vào hôn nhân, để rồi khi nhận ra niềm tin đó không phù hợp, thì kết quả lại như cuộc chiến pháp lí nghìn tỉ của Anh Đặng Lê Nguyên Vũ và Chị Lê Hoàng Diệp Thảo. “Những cuộc tranh cãi sẽ dẫn tới cuộc chiến tàn khốc hơn bất kì cuộc chiến pháp lí nào trong kinh doanh, có thể dễ dàng dẫn đến sự hủy hoại về tài chính và cảm xúc của bạn.” Những câu chuyện tình yêu không màng tài sản thì rất đẹp, rất cảm động, và thực tế là hợp đồng tiền hôn nhân chỉ có giá trị khi hôn nhân đổ vỡ. Nếu hôn nhân hạnh phúc suốt đời, thì bản hợp đồng đó cũng chỉ là mớ giấy vụn. Vậy nên, mối quan hệ giữa tiền bạc, pháp luật, và niềm tin vốn chặt chẽ mà đơn giản, áp dụng cho mọi tình huống trong cuộc sống. Tự túc chi cho du học Thuỵ Sĩ cũng không nằm ngoài vòng xoáy này. Mỗi người đều phải bảo vệ bản thân trên nền tảng thượng tôn pháp luật thôi.

Về chi phí sinh hoạt thì có thể nói mỗi nơi mỗi khác, nhu cầu mỗi người cũng khác, giá cả thị trường cũng có sự chênh lệch, nên nếu nói du học sinh và gia đình không có khái niệm rõ ràng về chi phí sinh hoạt thì nghe còn hiểu được. Học phí thì chình ình ở nơi dễ tìm nhất trên trang chính thức của các trường, du học sinh và gia đình mà không có khái niệm về học phí nữa thì thua.

III – Sự thật sấp mặt *** nơi xứ người:
– Du học sinh khi đặt chân tới Thụy Sĩ sẽ được cấp thẻ cư trú, được quyền ở lại để học hành theo đúng thời gian đăng kí hợp đồng với nhà trường NHƯNG KHÔNG CÓ QUYỀN LAO ĐỘNG.


Mình dẫn lại đường link mình đã dẫn ở trên về quy định việc làm tại Thuỵ Sĩ dành cho sinh viên trong khi học và sau khi tốt nghiệp tại đây, đồng thời mình cũng cắt ra phần liên quan nhất đối với sinh viên Việt Nam bậc cử nhân và thạc sĩ ở tấm hình phía dưới. Chữ thì nhiều mà kích thước trang lại có giới hạn, bạn vào link đọc cho rõ ràng nếu hình có hơi mờ nhé.

linh janetta le

Việc khẳng định (và viết hoa) du học sinh “không có quyền lao động” đáng tiếc là chưa hoàn toàn chính xác. Sinh viên ngoài khu vực EU và EFTA có quyền lao động với điều kiện họ đáp ứng được các yêu cầu đề ra cho mỗi loại công việc khác nhau như trong hình. Việc các trường tại Thuỵ Sĩ lên tiếng rằng sinh viên ngoài khu vực EU và EFTA không được đi làm bán thời gian cũng không sai, bởi sinh viên không đáp ứng được các yêu cầu đề ra, bao gồm yêu cầu xác nhận từ phía nhà trường. Những yếu tố liên quan đến pháp lí luôn rất câu nệ câu chữ và việc cắt nghĩa câu, vậy nên mỗi khi đưa ra lời khuyên hay thông tin cho các em và các bạn đang tìm hiểu về du học Thuỵ Sĩ, mình đều cẩn thận câu chữ là vì vậy.

– Tùy từng ngành nghề mới được xét cấp phép thời gian lao động dạng để sinh viên thực tập (ví dụ: Ngành nhà hàng khách sạn sau 6 tháng đầu học lí thuyết thì được phép đi làm thực tập 6 tháng với thời gian 15-20/giờ/tuần. Các ngành khác như kinh doanh, học tiếng,… thì tuyệt đối không được cấp phép làm việc).

Mình đính chính tiếp, ngành nhà hàng khách sạn sau 6 tháng đầu học lí thuyết thì được phép đi làm thực tập toàn thời gian mới đúng, bởi việc thực tập này là phần bắt buộc của chương trình học. Thế nào là toàn thời gian, đọc thông tin chính thức tại đây. Sinh viên các ngành khác vẫn được cấp phép làm việc nếu họ đáp ứng đủ các yêu cầu.

– Đúng là lương tối thiểu cho các công việc lao động chân tay như dắt chó, bồi bàn, dọn dẹp,… tại Thụy Sĩ là 18-25 CHF, nhưng nó là mức lương dành cho NHỮNG NGƯỜI LAO ĐỘNG CÓ GIẤY TỜ HỢP PHÁP, thường là các di dân có giấy tờ EU khỏe như trâu cày, bắn vài ba ngôn ngữ như súng liên thanh, và lúc nào cũng xếp hàng dài vì lương Thụy Sĩ cao gấp 2-3 lần các nước trong khu vực. *** tới lượt các cậu ấm cô chiêu An Nam trói gà không chặt biết nhõn tiếng Anh là ngôn ngữ Thụy Sĩ ít đếm xỉa nhất.

Đoạn này đúng, dù thô nhưng thật. Cơ mà, làm quái gì có luật nào có lương tối thiểu hay không tối thiểu dành cho lao động bất hợp pháp :)))

Không riêng gì Thuỵ Sĩ, muốn gia nhập thị trường lao động ở khu vực nào đi chăng nữa thì ứng cử viên đều phải lượng sức mình so với nguồn cung nhân lực của thị trường. Nếu bạn không đủ năng lực cạnh tranh, thì hãy làm cho bản thân trở nên đủ năng lực cạnh tranh đi. Điều này công bằng mà.

Như hiện tại mình ở London, mình xin việc nhóm ngành Tài chính tại thị trường cạnh tranh bậc nhất châu Âu. Nếu mà mình không làm cho bản thân đủ năng lực đấu với những con người ra từ các trường nghe tên đã thấy khủng như Oxford, Cambridge, Imperial, UCL, v.v… thì nếu mình không đỗ cũng công bằng thôi, vì người ta giỏi hơn, người ta thuyết phục được các nhà tuyển dụng về những giá trị mà 2 bên có thể mang lại cho nhau. Kết quả là mình đỗ nha =)))

– Sinh viên, may mắn lắm thu xếp được một chỗ thực tập với mức lương mơ ước khoảng 2,300 CHF/tháng sau khi trừ các chi phí thuế + phí + bảo hiểm, sẽ còn trần xì 1,100 *** đời rất nhọ. Mức chi ra tối thiểu trung bình 1 tháng bắt buộc của một sinh viên trên đất Thụy Sĩ, chưa tính chi phí học hành: Thuê nhà 500 – 700 + Bảo hiểm sức khỏe bắt buộc 100 + Đi lại, điện thoại 100 + Ăn uống 500 => Aka đứa nào may mắn lắm kiếm được việc thực tập, thì đủ chi phí tồn tại đã là sấp mặt ***, lại tròng thêm gánh nặng gửi tiền về cho gia đình trả nợ thì *** cũng *** có mà cắn.

Cho các bạn xem bảng lương thực tập của mình trong hình dưới đây nhé. Với “mức lương mơ ước 2,300 CHF/tháng sau khi trừ các chi phí thuế + phí + bảo hiểm” thì thực tế là còn 2,101 CHF lận vì thuế phí bảo hiểm chỉ có 8.626% thôi, trừ thêm cái assurance risques LPP cho tròn 5 CHF đi (đấy là trừ rất hao rồi đấy vì lương thực tế của mình cao hơn 2,300 CHF) thì còn 2,096 CHF, dư hẳn tận 996 CHF so với con số 1,100 CHF “trần xì” là hơn 24 triệu mỗi tháng lận á.

Trong bảng lương của mình có trừ tiền ăn tại công ti 205 CHF/tháng, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu công ti không trừ khoản này để bạn tự túc việc ăn, đó là sự lựa chọn của bạn. Nếu bạn siêng năng chịu khó nấu đồ ăn mang đi thì tiết kiệm nhiều lắm á, chứ 205 CHF/tháng ăn tại công ti của mình như này là thuộc dạng ăn sang rồi á.

Sinh viên, may mắn lắm thu xếp được một chỗ thực tập với mức lương mơ ước“, không có gì là may mắn ở đây cả. Bạn đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động, nó chỉ đơn giản là trao đổi giá trị thôi.

Tiếp nha. “Thuê nhà 500-700 + Bảo hiểm sức khỏe bắt buộc 100 + Đi lại, điện thoại 100 + Ăn uống 500“. Mình thuê nhà 600-650 ở 2 thành phố khác nhau ok, bảo hiểm sức khoẻ bắt buộc 100 ok, đi lại điện thoại ở 3 thành phố Montreux, Lausanne và Geneva chỉ tối đa 70-80 thôi coi như quy tròn 100 trừ hao cũng được, mình siêu bất ngờ với con số ăn uống 500. Trời đất, mình ăn trung bình chỉ 150 CHF/tháng thôi (2019), nếu mình không ăn ở công ti mà tự nấu thì coi như đến 200 là cùng, mà đấy là mình đã dễ dãi trong việc đi siêu thị lắm rồi á, vì hồi đó mình ỷ mình có tiền, đi siêu thị mua đồ ăn hàng ngày cho bản thân mình thích gì mua đó thôi không suy nghĩ giá cả đâu. Do vậy, con số 1,100 CHF “trần xì” áp dụng cho phần dư sau khi trừ chi phí sinh hoạt thì mới khớp thực tế. Mình hồi đó còn dư tiền mỗi tháng ra nước ngoài chơi 1 lần mà, mình đi Đức đi Ý đi Rumani đi Áo đi Liechtenstein đi hẹn hò các kiểu loạn xì ngầu mà vẫn để dành được khoảng 200 triệu khi về Việt Nam với 11 tháng thực tập tại Thuỵ Sĩ và 6 tháng thực tập tại Pháp. Bạn chịu khó tìm tòi, có kế hoạch tài chính cá nhân, thì việc để dành không khó mà cuộc sống của bạn vẫn thoải mái.

– Lao động chui? Dân bản xứ *** đứa nào dám thuê, vì dân Thụy Sĩ tuyệt đại đa số cực kì thượng tôn pháp luật. Hơn nữa, rủi ro khi thuê người không giấy phép là cực cao vì mức phạt là sml đừng đùa với luật thằng Tây.
– *** làm cho Tây được thì nhờ vào cái tình của đồng bào? Đúng, đây là giải pháp. Nhưng mới vãi *** chuyện chó gặm xương chó.


Mình rất không cổ xuý và rất phản đối vi phạm pháp luật trong mọi hoàn cảnh nha.

IV – Cái tình của đồng bào – Chó gặm xương chó.
Như đã viết ở trên, vì không có giấy phép lao động, và cơ hội kiếm được việc làm ở một đất nước nói 4 ngôn ngữ nhưng không có tiếng Anh, nên du học sinh chỉ có lựa chọn là làm việc chui cho chính đồng bào mình. Từ đây mới nảy sinh nhiều chuyện vãi ***.
– Các công việc phổ biến nhất du học sinh tìm được là phụ trong nhà hàng, trông trẻ theo giờ, dọn dẹp nhà cửa,… Đương nhiên là làm chui thì làm gì có chế độ báo thuế, đóng bảo hiểm. Cái đáng nói, biết rõ tình trạng danh không chính nên ngôn không thuận của du học sinh, nên các mức thù lao các ông bà chủ đồng bào trả cho các em chỉ nằm trong khoảng 30% nếu so với mức trả cho người khác (6-8 đồng/giờ cho các việc phụ nhà hàng trong khi mức tối thiểu phải là 18 đồng). Cả 2 bên đều sấp mặt *** ăn phạt sặc máu nếu chẳng may bị kiểm tra.
– Chuyện các ông bà chủ đồng bào chửi bới, o ép, gian lận thậm chí gấp rưỡi thời gian làm việc của du học sinh dù đã trả mức lương rẻ như bố thí thì phổ biến tràn lan. Chuyện du học sinh ngoài bị bóc lột ở chỗ làm, còn bị chủ lấy cái tình “nhờ” làm việc nhà quần quật như con ở không công cũng không hề hiếm. Chuyện du học sinh than thở được cho ăn toàn đồ thừa của khách ở nhà hàng cũng chưa phải không nghe. Chuyện đại loại du học sinh được thuê bốc nguyên 1 xe tải hàng nặng mất nguyên 1 buổi chiều, vì cả nể và tin vào chữ “tình” nên không hỏi giá trước, tới khi xong việc chủ hàng trả tiền tương đương hai tô phở cầm tiền khóc tại chỗ cũng không hiếm luôn,… Nhưng thôi, đứa nào kiếm được việc cũng mừng hết lớn rồi, vị thế thấp không thể đòi hỏi nhiều hơn. Phần này khó quá bỏ qua.


Lặp lại lần nữa, mình rất không cổ xuý và rất phản đối vi phạm pháp luật trong mọi hoàn cảnh. Đã biết vi phạm pháp luật mà các bên còn cố làm, trách ai bây giờ?

Hơn nữa, không bao giờ có chuyện một người “chỉ” có sự lựa chọn vi phạm pháp luật để kiếm tiền cả. Nhìn ở một góc độ khác, mình thấy lí giải sự việc này dưới dạng “họ thà vi phạm pháp luật ở nước ngoài còn hơn là trở về đối mặt với áp lực tâm lí của gia đình” thì hợp lí hơn. Đồng thời, mình cũng không hiểu lắm, vốn dĩ vi phạm pháp luật cũng gây ra áp lực tâm lí khi sinh viên sẽ phải nhìn trước ngó sau cho an nguy của bản thân. Hậu quả của sự việc này khủng khiếp hơn nhiều so với trở về đối mặt với kì vọng của gia đình.

Bài học rút ra là, vững vàng lên các bạn ơi, chuyện đâu còn có đó, miễn là không vi phạm pháp luật, mọi thứ đều có cách cả.

Túm cái quần, bố mẹ không giàu đạn, thì du học sinh tự túc tại Thuỵ Sĩ chỉ để trang trải nhu cầu tối thiểu của bản thân ở xứ người đã đủ sấp mặt ***, còn quàng thêm gánh nặng nợ nần để ra đi thì đời cắn ***.
V – Ủ mưu ở lại – Khiêu vũ giữa bầy linh cẩu
– Cũng như đa số các nước châu Âu, Thụy Sĩ đang cực kì siết chặt thành phần nhập cư và siết luôn việc cấp phép lao động nước ngoài. Theo thỏa thuận song phương kí kết giữa Thụy Sĩ với khối EU từ cuối những năm 9X, công dân EU được ưu tiên đi lại và được cấp phép làm việc trên đất Thụy Sĩ, nhưng hiện nay quota lao động cấp cho chính công dân ở khối này còn khó khăn, người tuyển dụng phải chứng minh đủ cách rằng không thể tìm được người lao động cho công việc đó trên đất Thụy Sĩ, đừng nói tới hộ chiếu của quốc gia cách xa 3-4 vòng ưu tiên khác.
Nói nhanh cho vuông, cửa du học sinh ở lại theo đường hợp đồng lao động sau khi học xong là không thể, trừ các quốc gia có chính sách thu hút người có trình độ như kiểu Singapore chừng chục năm trước, đừng tin bọn tư vấn xuyên tạc.


Các bạn biết không, năm mình học cấp 3, biết được thông tin về giấy phép làm việc tại Thuỵ Sĩ cần chứng minh này nọ, mình cũng à ồ các kiểu. Làm việc tại 3 quốc gia châu Âu khác nhau, nói chuyện với những người chịu trách nhiệm nộp hồ sơ bảo trợ visa làm việc cho người nước ngoài, mình nhận ra thực tế là nhà tuyển dụng sẽ luôn có cách chứng minh. Chưa kể, mình có ông bạn hộ chiếu Việt Nam, sau tốt nghiệp Les Roches ngành Quản trị khách sạn đã ở lại Thuỵ Sĩ một cách hợp pháp do được bảo trợ giấy phép làm việc. Vậy nên, đối với việc chứng minh tuyển dụng, nếu bạn thuyết phục được nhà tuyển dụng nộp hồ sơ bảo trợ giấy phép làm việc cho bạn thì họ sẽ chuẩn bị giấy tờ cho việc chứng minh thôi, trừ phi luật nói rõ ràng như chính phủ UK không bao giờ cấp phép bảo trợ giấy phép làm việc cho một số công việc nhất định (xem thêm tại đây). Mọi thứ còn lại chỉ còn là quyết định của cơ quan chức năng. Tất nhiên, quy trình hành chính thì thường phức tạp và tốn kém, nhưng nếu bạn xứng đáng thì cơ hội luôn có. Cơ mà, tỉ lệ này đúng là không nhiều thật.

Nên nhớ, hết hạn visa chỉ 1 tiếng mà chưa bước chân ra khỏi cửa khẩu, du học sinh automatic được lọt vào blacklist dạng di dân nhập cư trái phép và tiếng xấu được lan truyền khắp mạng lưới nhập cảnh châu Âu *** cụ bọn tư bản chơi hóm.

Cái này đơn giản là luật xuất nhập cảnh thôi mà, hết hạn là hết hạn, 1 tiếng 1 phút gì cũng là hết hạn cả. Đã là luật thì tuân thủ thôi.

– Các trường tư nhận du học sinh cho phép đóng tiền học phí theo từng năm. Đóng đủ nhà trường làm thủ tục cho visa ở lại. Hết tiền, mời cút. Các trường thậm chí còn *** thèm care sinh viên đi học bao ngày, học hành tới đâu. Túm lại còn tiền là còn tình. Vì thế, các du học sinh cũng thường nghiến răng bỏ tiền mua quyền ở lại chờ đợi cơ hội, và tuyệt đại đa số chờ đợi trong vô vọng. Đã gặp khá nhiều đứa cùng quẫn không có tiền nộp để gia hạn visa, nhưng không dám trở về Việt Nam vì kì vọng của bố mẹ là con phải ở lại, và khoản nợ nần khổng lồ bố mẹ vay mượn đầu tư cho đi.

Tình hình học phí và visa này đối với trường công cũng đâu có gì khác đâu? Visa sinh viên được cấp với mục đích chính là để sinh viên đi học, thế nếu không có điều kiện để học thì visa ngưng.

Việc “bỏ tiền mua quyền ở lại chờ đợi cơ hội”, nếu cơ hội đến thì nó hay đến trong giai đoạn sinh viên đi thực tập hoặc khi sinh viên là người chủ động tiếp cận nhà tuyển dụng và thuyết phục họ, vì đó là những thời điểm mấu chốt nhất và có tính thuyết phục cao nhất. Các nhà tuyển dụng có thể chủ động tiếp cận ứng viên, nhưng nếu là mình thì mình không há miệng chờ sung như vậy, và hơn nữa điều đó chỉ xảy ra khi mình có bộ hồ sơ “khủng bố tinh thần” thôi. Vậy nên, nếu nói như tác giả, thì mình cũng không rõ các sinh viên đó họ đóng thêm tiền để chờ đợi điều gì? Chờ luật cư trú thay đổi, hay chờ công ti đến bảo lãnh? Nếu sinh viên không thể “bán” năng lực cho nhà tuyển dụng thì họ đánh đổi điều gì cho visa làm việc đây?

Thật ra đến câu cuối trong trích đoạn này, mình hiểu, nhưng dù vậy mình cũng khó cảm thông được, cho cả bậc phụ huynh lẫn các bạn sinh viên trong hoàn cảnh này khi một bên đặt áp lực lớn đến mức con cái không dám về nhà, còn một bên lại không đủ dũng khí để gánh lấy tương lai của bản thân.

– Một số tìm giải pháp bằng cách chạy sang Đông Âu mua giấy tờ cư trú để có thể trở lại Thụy Sĩ. Nhưng giấy này hoàn toàn không có quyền lao động, chỉ được tạm trú 3 tháng như khách du lịch, nên ở lại được cũng hoàn toàn bấp bênh, và chỉ có cách làm chui trông vào cái tình của đồng bào nếu may mắn lắm.
– Từ đó nảy sinh các dịch vụ: Chính chủ trường cho thuê địa chỉ để đăng kí giấy tờ, trong khi thực tế bọn trẻ phải sống chui rúc chen chúc hoặc ở nhờ làm việc nhà không công cho đồng bào vì không có tiền. Đã gặp trường hợp cả nhóm chục người bị 1 nhóm Afghanistan dụ đóng tiền để giúp làm visa, nhưng sau khi nhận mỗi đứa 2.4 ngàn mới vỡ ra bọn kia chẳng có chức năng *** gì trong vụ này. 10 nạn nhân, 24K bọn lừa đảo đút túi trong 1 nốt nhạc nhưng *** ai dám đứng ra tố cáo vì sợ chính mình cũng bị tống cút, dù danh chính ngôn thuận thì bọn lừa đảo kia sấp mặt *** với luật sở tại. Chuyện đại loại vậy, nghe rất nhiều.


Mình xin lỗi chứ xin phép cho mình cười một cái, nếu không cười mình cũng không biết phản ứng thế nào. Tất nhiên là mình không đồng cảm nổi vì họ có nhiều tiền đến mức có thể mua quyền cư trú ở các quốc gia Đông Âu thì có phải về Việt Nam còn ngon hơn nhiều không, vậy mà họ không dám về. Họ chỉ nghĩ đến mỗi việc làm công ăn lương, rằng thì là lương tối thiểu Thuỵ Sĩ cao hơn nhiều so với lương dăm bảy triệu ở Việt Nam. Nhưng để ở lại được Thuỵ Sĩ họ đã tốn bao nhiêu tỉ mình không biết trong khi giấy phép làm việc thì chưa thấy đâu cũng không có nổi tí gì đảm bảo, trong khi đó nếu về Việt Nam thời gian đầu lương thấp nhưng vừa không mất mấy tỉ mà nếu cố gắng phấn đấu thì lương sẽ lên, chưa kể các cơ hội bên ngoài kinh doanh đầu tư các thứ, và tất cả đều hợp pháp. Thiệt chứ thứ lỗi cho mình nếu mình có nặng lời, vụ này mình chỉ có thể nói “tham thì thâm” thôi. Thà tham mà có kết quả chắc chắn đi, còn đây tham mà toàn… ảo tưởng không :)))

Thêm một bài học nữa, lí do tại sao mình làm mọi thứ đều cố gắng làm trực tiếp và không qua trung gian là để hạn chế mấy vụ bị lừa như vậy nè.

– Cơ may duy nhất hầu như chỉ dành cho các em gái du học sinh *** vàng **** kim tuyến, trong khoảng thời gian du học này hoặc thậm chí ngay cả sau khi về nước đã kịp có một soái ca giấy tờ hợp pháp chịu kí giấy kết hôn. Vì thế, đa số các em gái đều coi việc săn một mối soái ca là mục đích ngay từ khi đặt chân sang Thuỵ Sĩ. Cũng rất nhiều “tai nạn” nảy sinh, nhưng thôi chuyện này chỉ nhắc tới đây vì nhạy cảm.

Dù mình không đồng tình với việc lên tiếng “cơ may hầu như chỉ dành cho các em gái du học sinh *** vàng **** kim tuyến“, mình không thấy có vấn đề gì khi ai đó mong muốn tìm người yêu khi họ đến một vùng đất mới. Đi “săn soái ca” là một chuyện, để họ sẵn sàng cam kết cả quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ sau hôn nhân cùng là chuyện khác.

Tác giả đã khẳng định ở phía trên “dân Thụy Sĩ tuyệt đại đa số cực kì thượng tôn pháp luật“, hôn nhân cũng có luật pháp quy định mà. Những cuộc hôn nhân không vì mục đích thuần tuý của hôn nhân hoàn toàn có thể bị chính quyền từ chối. Nhưng thôi, chuyện này mình cũng chỉ nhắc tới đây vì nhạy cảm…

VI – CHỐT HẠ:
– Có thể các nhân viên tư vấn du học không thật sự bất lương, họ chỉ tư vấn những gì bản thân họ được training, họ cũng *** nắm được thực tế, và công việc này cho họ thu nhập cao. Bởi vậy tao *** chửi bọn nó nữa.


Mình thì không đi “chửi” ai bao giờ, với lại mình cũng không thấy tác dụng của việc “chửi” mấy người xa lạ nữa. Nếu có tâm thì đi báo công an mấy vụ lừa gạt, nhưng theo kiện cũng nhiêu khê nếu vụ kiện trở nên lớn và phức tạp hơn. Còn nếu không thì làm mấy bài bóc phốt, không cần “chửi” làm gì, chỉ cần dẫn chứng chính thống sự thật đầy đủ phản lại những bằng chứng của mấy người tư vấn bằng email hay ghi âm là được rồi, và tận dụng sự chia sẻ của cộng đồng mạng, việc “làm ăn sai trái” của họ cũng sẽ khó khăn hơn.

– Như đã nói ở trên, đây chỉ là các thông tin thực tế nhằm cung cấp cho những người đang có nhu cầu suy ngẫm, và biết đường liệu cơm gắp mắm chuẩn bị cho các tình huống. Tao gặp quá nhiều cảnh thương tâm của bọn trẻ bên này rồi, tao thấy nghĩa vụ của mình là cần lên tiếng cảnh báo. *** ** đứa nào bảo tao có ý ngăn người này cản người nọ đi cả họ nó ăn bún *** **** ***.
– Ý kiến riêng: Chui ra khỏi **** ** đã là cái nghiệp “tin buồn từ ngày mẹ cho mang nặng kiếp lừa”, tao khuyến khích tuổi trẻ tụi mày dấn thân, tuy nhiên cần thật tỉnh táo, tính toán khả năng của bản thân và gia đình và chuẩn bị một sự quyết tâm sắt đá để tồn tại được ở xứ người. Đừng để giống những đứa du học sinh đang trở đi mắc núi trở lại mắc sông mà tao đã gặp bên này.


Mình không biết các bạn thế nào, thông thường mình thường không đọc những bài viết kiểu này, bởi cá nhân mình cảm thấy vốn dĩ những lời lẽ thô tục đã là dấu hiệu của sự không khách quan. Mình luôn muốn nhìn nhận các câu chuyện một cách đa chiều, nếu một người đạt được một điều gì đó thì mình sẽ muốn tìm hiểu câu chuyện con đường thực hiện mục tiêu của họ, nếu một người không đạt được điều họ mong muốn thì mình sẽ tìm hiểu câu chuyện họ đã cố gắng những gì và tại sao những cố gắng đó lại không mang đến kết quả khả quan.

Những điều được chia sẻ trong bài viết gốc xoay quanh những người mang tham vọng về tiền tài và danh lợi ở xứ người nhưng quên cân nhắc yếu tố môi trường và thị trường thực tế. Nếu không phải là người tạo ra xu hướng, bạn phải theo xu hướng thôi, dù ngắn hạn hay dài hạn.

[1] Nếu bạn cố chấp muốn tính giá trị thời gian của đồng tiền, thì cứ sau mỗi năm bạn tra google lãi suất tiền gửi ngân hàng rồi nhân lên.

26.11.2021

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Phản Hồi “Du Học Thuỵ Sĩ – Đời *** Như Mơ”, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Học Hành > Du Học.

Bình luận