Chuyển Đổi Xanh Có Thật Sự “Xanh”?
Từ sự kiện COP26 tại Glasgow, UK năm 2021 hội tụ lãnh đạo của 197 (?!) quốc gia, ESG (environmental social governance – yếu tố môi trường, xã hội và quản trị) đã gần như trở thành ưu tiên cho sự phát triển bền vững và dài hạn của mọi doanh nghiệp. Chuyển đổi “xanh” đã không còn chỉ gói gọn trong yếu tố môi trường nữa, mà ngay cả yếu tố xã hội và quản trị cũng phải được đặt lên bàn cân để cân nhắc một cách toàn diện.
Thế nhưng, trên thực tế, những sự chuyển đổi xanh mà truyền thông và những nhà hoạt động xã hội lên tiếng tuyên truyền quá trời quá đất có thật sự “xanh” không/chưa, hay nhiều góc độ đã vô tình bị bỏ quên?
Bài viết này do mình tổng hợp và biên soạn lại từ 2 nguồn Tiến sĩ hoá học Michelle Wong và báo Financial Times, với mục đích đặt vấn đề là chủ yếu. Cá nhân mình không đứng hoàn toàn về “phe” nào, mình ủng hộ sự phát triển bền vững lâu dài, và chỉ mong muốn nhiều góc độ cùng được mổ xẻ để mở rộng góc nhìn, hạn chế sự phiến diện và thông tin một chiều (từ truyền thông và hoạt động xã hội).
1. Quy cách đóng gói bằng nhựa (chất dẻo) là phá hoại môi trường?
Có lẽ mình không cần phải dẫn chứng, rằng phần lớn ý kiến mang đến cho mọi người niềm tin rằng quy cách đóng gói bao bì bằng chất dẻo luôn tệ hơn, có hại cho môi trường hơn, các loại chất liệu khác. Như bao vấn đề xã hội khác, câu chuyện chưa bao giờ chỉ đơn giản như thế.
Lí do của ý kiến này xuất phát từ việc họ chỉ tập trung vào phần cuối vòng đời của sản phẩm, bởi vì chính chúng ta phải tự mình giải quyết nó. Các chai lọ sẽ được đem đi chôn lấp hay có thể tái sử dụng hoặc tái chế? Nó có xuống cấp không? Việc ngưng sử dụng sản phẩm có quy cách đóng gói từ chất dẻo và chuyển đổi xanh bằng các loại vật liệu “thân thiện với môi trường” hơn như thủy tinh, giấy và nhôm thật sự cũng chẳng “xanh” mấy, bởi chúng ta sẽ tiêu tốn gấp 3,6 lần lượng vật liệu, gấp 2,2 lần năng lượng để chế tạo ra vật liệu và tăng 2,7 lần lượng khí thải CO2. Vòng đời của sản phẩm không chỉ có mỗi khâu cuối cùng.
Khi xem xét tất cả các khâu của vòng đời sản phẩm, việc cân nhắc chuyển đổi xanh như thế nào cho thật sự “xanh” sẽ trở nên rõ ràng hơn. Chất dẻo không phải là lựa chọn tệ nhất trong tất cả các sự lựa chọn.
Ví dụ, ở khâu sản xuất, chất dẻo là sản phẩm phụ của ngành dầu khí. Với lượng năng lượng cần thiết cho thế giới 7 – 8 tỉ dân, đằng nào chất dẻo cũng sẽ được sản xuất, và chúng ta chưa thể ngưng hẳn ngành dầu khí trong tương lai gần. Ngược lại, giấy được sản xuất từ việc chặt cây lấy gỗ, hay thủy tinh và nhôm dù có thể được sản xuất từ các nguồn tái chế nhưng lại cần rất nhiều nhiệt, tăng tác động ảnh hưởng tiêu cực lên môi trường.
Quay về thuở chí kim, tại sao bao bì chất dẻo vốn dĩ lại phổ biến ngay từ đầu? Chất dẻo có khả năng bảo vệ thứ được chứa bên trong rất tốt. Trong quá trình vận chuyển, bao bì đóng gói thuỷ tinh hay nhôm đều làm sản phẩm trở nên nặng hơn, từ đó thải ra nhiều CO2 hơn. Chất dẻo thì bền, ít lo bị vỡ như thuỷ tinh hay móp méo như nhôm. Ngay cả khi hết tuổi thọ, nguyên liệu chất dẻo vẫn có thể được tái chế khoảng 40 lần. Nguyên liệu giấy thì thấm nước. Để xử lí yếu điểm này, bao bì giấy lại được tăng thêm những lớp chất liệu khác, thậm chí khó tái chế hơn chất dẻo, dẫn đến một toàn cục tệ hơn chất dẻo.
Thật ra không có một câu trả lời cụ thể về việc quy cách đóng gói bao bì nào là đỡ hại môi trường nhất, mà phải tuỳ thuộc vào nhiều yếu tố như thói quen của người dùng, cơ sở hạ tầng tái chế có sẵn, v.v… Những tuyên bố kiểu “chất dẻo = tệ” không có ích và thậm chí còn có thể có hại khi không được diễn giải rõ ràng.
2. Cưỡng bức lao động ở Tân Cương
Tham vọng chuyển đổi xanh của thế giới không chỉ nằm ở vấn đề môi trường, mà có những yếu tố xã hội như quyền con người cũng được cân nhắc đến, để thật sự tạo nên chuỗi cung ứng hoàn toàn “xanh”. Nếu bạn để ý thời sự, thì thông tin về cưỡng bức lao động ở Tân Cương không phải là chủ đề mới. Sự kiện quen thuộc nhất với công chúng có lẽ là việc nguyên liệu cotton cho ngành may mặc được khai thác từ sự cưỡng bức lao động ở Tân Cương, dẫn đến các thương hiệu thời trang từ giá rẻ đến sang trọng phải lên tiếng về nguồn chất liệu cotton của họ.
Cotton không phải là sự kiện duy nhất. Mĩ đã ra một đạo luật rằng các module năng lượng mặt trời được sản xuất bằng cưỡng bức lao động sẽ bị tịch thu ở biên giới Hoa Kì. Thoạt nhìn thì có vẻ như chính quyền Biden đã có được một chiến thắng trên hành trình phát triển bền vững và toàn diện. Tuy nhiên, những nguyên liệu thô polysilicon được sử dụng để sản xuất pin mặt trời và các loại khoáng chất quan trọng cho pin trên hành trình chuyển đổi xanh hầu hết đều được khai thác bằng cưỡng bức lao động ở Tân Cương.
Những nguyên liệu thô polysilicon này lại được giao dịch như một loại hàng hoá trên thị trường quốc tế trước khi được đưa vào sản xuất. Có nghĩa là, khi doanh nghiệp nhập nguyên liệu polysilicon để sản xuất các module năng lượng mặt trời, doanh nghiệp không thể truy vết được rằng nguyên liệu này có nguồn gốc từ đâu và được khai thác như thế nào. Nói cách khác, hầu như chẳng có tấm pin mặt trời nào ở bất kì nơi đâu trên thế giới là “xanh” cả, với sự thống trị của Trung Quốc trên thị trường.
Đây, Trung Quốc dẫn đầu thế giới về chuyển đổi năng lượng sạch, nhưng nguyên liệu thô để chuyển đổi này có “xanh” về yếu tố xã hội hay không thì người ta không nói. “Xanh” về môi trường (yếu tố E) nhưng không “xanh” về xã hội (yếu tố S), thì tóm lại là “xanh” hay “không xanh”? “Xanh” nào thì quan trọng hơn và nên được ưu tiên hơn?
3. Nhãn dán “xanh”
Để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp tham gia dán các loại nhãn “sinh thái”, “xanh” cho sản phẩm của mình, hướng đến các đối tượng quan tâm đến phát triển bền vững. Tuy vậy, khi người tiêu dùng thúc đẩy những điều chưa đúng, thì hệ quả có khi còn tệ hơn nhiều.
Ví dụ, nếu doanh nghiệp được dán nhãn “xanh” nhờ vào việc không sử dụng chất dẻo thì như những thông tin trên phần 1, với lượng nguyên liệu thô, năng lượng và cả lượng chất thải CO2 ra môi trường xuyên suốt vòng đời của sản phẩm, việc sử dụng giấy, nhôm, và thuỷ tinh còn phá hoại môi trường nặng nề hơn cả chất dẻo.
Ví dụ, nếu người tiêu dùng thúc đẩy việc sử dụng các sản phẩm không chứa paraben, doanh nghiệp họ sẽ thay paraben bằng những loại chất bảo quản kém hiệu quả hơn và gây kích ứng nhiều hơn, khiến sản phẩm hỏng nhanh hơn và hại sức khoẻ hơn, trong khi paraben là chất bảo quản trong các sản phẩm làm đẹp được nghiên cứu khoa học có thể coi là kĩ lưỡng nhất trong hàng vài chục năm.
—
Làm thế nào để công cuộc chuyển đổi xanh có thể thật sự trở nên “xanh” là vấn đề cực kì vĩ mô, mà blog của mình sẽ không thể đưa ra một câu trả lời cụ thể. Tuy vậy, mình có thể đặt vấn đề, hi vọng thúc đẩy thêm nhiều sự suy ngẫm, bắt đầu từ những hành động nhỏ nhất của chúng ta, để hạn chế càng nhiều càng tốt những ảnh hưởng tiêu cực và kéo dài “tuổi thọ” của Trái Đất.
Bạn nghĩ sao?
07.09.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Chuyển Đổi Xanh Có Thật Sự Xanh?, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Suy Ngẫm.