“Giỏi” so với “nỗ lực”?
Đây là bài viết thứ 193 trên blog của mình. Xuyên suốt hơn 2 năm qua, từ việc viết blog và bình luận dạo trên mạng xã hội, đã rất nhiều lần mình đọc được bình luận của mọi người về những bài đăng của mình, đại khái là nói mình giỏi sẵn, những kết quả mình đạt được cũng dễ hiểu. Nói là mình buồn vì những bình luận này thì không phải, nhưng sau nhiều lần như thế, mình tự vấn bản thân, rằng “giỏi” so với “nỗ lực”, điều gì mới tạo nên thành quả?
Trải nghiệm của mình từ nhỏ đến lớn, từ phía bản thân cũng như chứng kiến những câu chuyện xung quanh, dạy cho mình bài học rằng sự cố gắng, sự quyết tâm, sự nỗ lực, là điều kiện cần của thành quả, không phải thông minh, hay thậm chí là chăm chỉ.
Một lí do nữa khiến mình bắt tay vào bài viết này, là gần đây mình chứng kiến một câu chuyện cảm động, thêm một lần nhắc nhở rằng mình vẫn cần nỗ lực hơn nữa. Nếu mình nhìn vào Bố, câu chuyện về những điều Bố đã làm để có được ngày hôm nay cũng to lớn lắm. Chỉ là, vì không thực sự nhìn thấy mà chỉ được nghe kể, nên mãi đến câu chuyện gần đây mới khiến mình phải suy ngẫm.
1. Câu chuyện nỗ lực
Một người Anh của mình, sau nhiều năm tìm cách, đã đặt chân đến một quốc gia phát triển phương Tây hành nghề y khoa, khoa ngoại, xuất phát từ Việt Nam. Hành trình này của Anh, dù mình không chứng kiến sát sao, nhưng mình đã từng trao đổi với Anh khá nhiều, từ nền tảng của việc học tiếng Anh, đến viết CV, viết thư ứng tuyển, và những điều loanh quanh khác trong cuộc sống.
Thật ra, kể cả khi dù có không trao đổi nhiều đến thế, thì cũng không khó để mình tưởng tượng được, từ xuất phát điểm A đến mục tiêu B của Anh là hành trình như thế nào. Xin việc ở các quốc gia phát triển (mà không đi du học) nhìn chung đã khó, vậy thì lĩnh vực y khoa, còn là khoa ngoại, còn có thể như thế nào?
Từ lúc Anh nói với mình mục tiêu học tiếng Anh để có năng lực C1 ở mọi kĩ năng, đã là 3 năm trước. Ngoài tiếng Anh ra, có những ý kiến và hành động khác của Anh, nếu mình là Anh ấy, mình không đồng tình. Nhưng tất nhiên, mình không phải là Anh, không ở trong tình huống và ngữ cảnh của Anh để đưa ra quyết định.
Điều khiến mình cảm động trong câu chuyện này, là ở vị trí của Anh, nhiều người (nếu không nói là đa số mọi người) sẽ chấp nhận cuộc sống hiện tại. Anh hơn mình 10 tuổi, chưa từng đi du học, cũng không được đầu tư học ở những nơi đắt đỏ như mình. Vậy việc đạt được mục tiêu này của Anh là “giỏi” hay”nỗ lực”?
2. Vùng an toàn có “an toàn“ đến thế?
Dư dả tiền bạc so với có vừa đủ tiền chi tiêu cho cuộc sống hàng ngày, điều gì “an toàn” hơn? Cái an toàn của có tiền vừa đủ là không phải lo lắng suy nghĩ tiền thâm hụt nhiều. Thăng tiến lên quản lí so với làm nhân viên, điều gì “an toàn” hơn? Cái an toàn của làm nhân viên là có công ăn việc làm ổn định, có nguồn thu nhập cho những nhu cầu cơ bản của cuộc sống mà không phải lo lắng quá nhiều.
Ở chiều ngược lại, dư dả tiền bạc dù nguy cơ tiền thâm hụt cao hơn (các tỉ phú cổ phiếu có thể phải nhìn giá trị vài tỉ USD bốc hơi trong nháy mắt), thì họ thực ra lại an toàn hơn khi ốm đau bệnh tật (nặng) xảy đến vì có khả năng chi trả. Làm quản lí, dù trách nhiệm nhiều và nặng nề hơn, nhưng an toàn là họ có đãi ngộ tốt hơn, có cơ hội tiếp xúc với những người đồng cấp để phát triển hơn nữa.
Suy cho cùng, vùng an toàn chỉ là một trạng thái tâm lí mà ở đó bạn cảm thấy quen thuộc. Trên thực tế, vùng an toàn luôn có những rủi ro tiềm ẩn, mà sự tiềm ẩn đó có khi lại nguy hiểm hơn nhiều so với nguy cơ của việc bứt phá lên.
Như bạn thấy, việc trốn tránh trong vùng an toàn thường xuất phát từ những nỗi sợ: sợ mất tiền, sợ trách nhiệm, sợ thất bại, sợ những điều không lường trước được, v.v… Đồng thời, có lẽ câu nói này cũng không còn xa lạ gì nữa, “rủi ro càng lớn, lợi nhuận càng cao”. Thời thế vẫn luôn phát triển, bạn đứng im tức là bạn đi lùi. Nếu đây là sự lựa chọn của bạn, mình hi vọng bạn vui vẻ suốt đời với sự lựa chọn ấy.
3. Tư duy cầu tiến, ý chí và quyết tâm
Để sử dụng tiếng Pháp trôi chảy, mình dùng 9 năm học và 3 năm trau dồi trong môi trường bản địa. Để đạt giải nhì học sinh giỏi quốc gia, mình bắt đầu giải toán và rèn tư duy logic từ mẫu giáo. Tất nhiên, hồi đó mình không biết gì 😅, là Bố Mẹ mua sách và truyền hứng thú cho. Sau đó là 9 năm tìm tòi bài toán khó, từ sách vở, từ tạp chí toán tuổi thơ, và sau này là từ đội tuyển bồi dưỡng. Để giữ vị trí trưởng bộ phận ở tuổi 20 tại khách sạn 5 sao quốc tế, mình dùng 1,5 năm học và 1,5 năm thực tập mặt dày mày dạn quan sát, hỏi kinh nghiệm, tự thực hành và hệ thống hoá kiến thức kĩ năng của bản thân. Để vào Big 4 trái ngành, mình đánh đổi 2 năm cày báo chí, tin tức, sách vở và kiến thức về cách nền kinh tế và thị trường tài chính vận hành, sửa CV chắc phải vài chục lần thử và sai (trial and error), nộp trên dưới 100 hồ sơ ứng tuyển để tăng phản xạ làm bài thi và phỏng vấn trực tuyến.
Đã có người nói với mình rằng, học sinh song ngữ Pháp – Việt như mình nhờ được học tiếng Pháp từ nhỏ nên khi lớn lên mới sử dụng tiếng Pháp thành thạo. Nói cách khác, việc “giỏi” tiếng Pháp này của mình là một lẽ dĩ nhiên. Hợp lí không? Quá hợp lí. Chỉ có điều, họ không nói về việc số tiết học của tụi mình nhiều hơn gấp 1,5 lần số tiết học của chương trình phổ thông công lập thông thường, lượng sách vở bài tập kiến thức cũng nhiều hơn từng đó, nhiều phụ huynh và học sinh đã bỏ ngang con đường này để chuyển qua học các chương trình công lập khác [1] 🙃 Vậy đây là “giỏi sẵn” hay “nỗ lực”?
Đúng là sự bảo hộ của Bố Mẹ cho việc mình hứng thú với môn toán từ nhỏ là may mắn. Điều này khiến mình ngẫm ra, nếu mình không may mắn đến thế, nhờ những câu chuyện kiểu như thế này, mình sẽ tìm cách khai phá sự hứng thú về học tập ở con cái sau này. Và, mình sẽ cố gắng tìm một phương pháp để mọi thứ diễn ra tự nhiên, hơn là ép buộc. Mình tin sự tự học – xuất phát từ tư duy cầu tiến, ý chí và quyết tâm – mới là nền tảng, còn học thêm chỉ là hoa lá thêm vào hoặc là sự dẫn đường ban đầu thôi, như mình đã viết trong ♡ Kinh Nghiệm Tự Học Năng Suất Cao ♡. Tư duy cầu tiến, ý chí và quyết tâm này phải đi kèm với thời gian, vì không có đỉnh núi nào có thể được chinh phục sau một cái chớp mắt cả.
4. Lựa chọn hành trình và thước đo
Một yếu tố quan trọng trên hành trình nỗ lực đi cùng với tư duy cầu tiến, là thước đo và hành trình. Tuy nhiên, 2 yếu tố này thuộc về cá nhân, do vậy sẽ không có đúng hay sai.
Ví dụ về hành trình, nếu bạn là người siêng năng, có thể bạn sẽ cảm thấy chăm chỉ một chút cũng bình thường thôi. Mình không chăm đến thế, nên mình hứng thú hơn khi tìm tòi những phương pháp gia tăng hiệu suất để tốn ít thời gian hơn. Điều này đồng nghiệp của mình đều chứng kiến. Mình sẵn sàng dành ra 2 tiếng để lập trình VBA, 4 tiếng để xây lại từ đầu một công cụ, nếu về lâu dài nó giúp cả bộ phận tiết kiệm thời gian. Nếu mình không tốn thêm thời gian cho những việc này, thì quy trình của bộ phận vẫn hoạt động bình thường, chỉ là tốn thời gian hơn một chút, và nguy cơ sai sót từ phía con người cũng cao hơn một chút. Đây không phải là ranh giới giữa đúng và sai, đây là ranh giới của sự lựa chọn và quy luật đào thải tự nhiên theo thời gian.
Ví dụ về thước đo, từ khoảng lớp 6 – lớp 7, mình đã không còn tin vào điểm số, vì trải nghiệm của mình cho thấy điểm không đánh giá được tương quan năng lực thực sự của mình. Nhiều khi những môn mình học tốt hơn thì điểm lại không cao bằng những môn mình gần như buông. Kết quả là, mình chưa từng đặt mục tiêu điểm cao, và sự thật là điểm mình cũng chưa bao giờ quá cao, chỉ tầm tầm 8,5/10. Một lần nữa, đây không phải là ranh giới giữa đúng và sai, đây là ranh giới của sự lựa chọn.
5. Thất bại là mẹ thành công
“Giỏi sẵn”, hay tài năng, dễ bị “đổ lỗi” khi một người nào đó đạt được những mục tiêu “khó”, cho dù nỗ lực của họ là rất lớn. Lí do là bởi vì “giỏi sẵn” mang hình ảnh về sự sáng chói, vượt qua trở ngại dễ dàng, dù đằng sau là nhiều câu chuyện người ta thường bỏ qua, mà trong số đó có rất nhiều thất bại.
Trước khi vào đội tuyển Toán và có giải học sinh giỏi quốc gia, mình trượt kì thi APMOPS (Olympic Toán châu Á – Thái Bình Dương). Để nhận được cái gật đầu sau 3 vòng phỏng vấn để mình giữ vị trí trưởng bộ phận của một khách sạn 5 sao quốc tế, nhiều khách sạn khác còn từ chối cả phỏng vấn mình. Lần trượt Bloomberg 2 năm trước (♡ Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg ♡) là bàn đạp để mình nhận công việc tư vấn tài chính ở Big 4. Nhà bác học Thomas Edison cũng thất bại hàng nghìn lần trước khi sáng tạo ra bóng đèn, nhà văn J. K. Rowling cũng bị hàng chục nhà xuất bản từ chối trước khi ra mắt bộ tiểu thuyết Harry Potter.
—
Sau tất cả, mình cảm thấy mấu chốt của việc so sánh giữa “giỏi” với “nỗ lực”, nằm ở niềm tin của mỗi người. Mình có niềm tin rất mạnh mẽ rằng nỗ lực mới mang tính quyết định đến kết quả, hơn là “giỏi sẵn”. Từ đó, mình chưa từng ngưng cố gắng, trên hành trình đó tìm kiếm những tiềm năng tiềm ẩn, và hái quả ngọt ở phía cuối con đường. Mình nghĩ, cũng vì lẽ đó, mình dễ bị thu hút bởi những người như Cristiano Ronaldo hay Rafael Nadal, hơn là Lionel Messi hay Novak Djokovic. Không phải vì Messi hay Djokovic không nỗ lực, mình dám cá là họ cực kì nỗ lực luôn, chỉ là hình ảnh của họ trên truyền thông luôn bị tập trung vào tài năng, khiến hình ảnh của họ trong mắt mình trở nên ít hấp dẫn hơn.
[1] Điều này không khó thấy, ví dụ trên địa bàn TP.HCM, chỉ cần so sánh số lượng học sinh vào lớp 1 chương trình song ngữ Pháp – Việt ở các trường tiểu học Trần Quốc Toản, Lương Định Của, Kết Đoàn, Minh Đạo, và Bông Sao so với những học sinh học hết lớp 12 cùng chương trình ở các trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai, và Marie Curie là thấy. Tất nhiên, trong số những sự “rụng rơi” đó (trong đó có mình luôn, mình “rụng” ở kì thi tuyển sinh vào lớp 10), có nhiều người là vì thay đổi định hướng. Cơ mà, số lượng người “rụng” vì chương trình “được cho là quá nặng” cũng không ít đâu.
30.08.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Giỏi So Với Nỗ Lực, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Cuộc Sống > Tâm Sự.