Cách Nhắn Tin Với Người Lạ
Chắc chắn mình không phải là người đầu tiên lên tiếng về cách nhắn tin với người lạ, nhưng vì mình chưa bao giờ nói trên tài khoản của bản thân nên giờ mình nói một lần cho chính thức, để từ nay về sau nếu mình không trả lời tin nhắn chờ của bạn thì mình cũng mong bạn hiểu cho mình 🙂
Mình thấy bản thân khá nhiệt tình trả lời tin nhắn chờ mà người lạ nhắn với mình, dù đôi khi hơi chậm nhưng mình luôn tìm cách cố gắng trả lời hết. Có những lúc mình cảm thấy rất biết ơn những tin nhắn đó, vì các bạn cũng giúp mình có thêm động lực và có cơ hội để cùng thảo luận, trao đổi về chủ đề mình quan tâm. Đổi lại, cũng có những lúc mình (phải nói thẳng là) chán chẳng buồn phản hồi. Mình cố gắng hết sức để không tỏ ra bất lịch sự, nhưng thực tế là mình không có gì để nói.
Bài viết này là lời giải thích của mình rằng vì sao mình không phản hồi tin nhắn của bạn. Lí do mình viết bài này là tuần vừa rồi mình khá rảnh, tâm trạng cũng khá tốt, nên mình trả lời vài tin nhắn chờ mà thông thường sẽ bị xoá. Ai ngờ, chỉ sau 2 – 3 tin qua lại, mình lại bị dội thêm mấy gáo nước lạnh khiến mình chẳng muốn tiếp tục cuộc trò chuyện nữa.
1. Hãy gửi tin nhắn có nội dung cụ thể
Tin nhắn không có nội dung là lí do lớn nhất mà mình thường lơ và xoá tin nhắn chờ ngay và luôn. Ví dụ của loại tin nhắn này thường là “Hi Chị.”, “Chị cho em hỏi chút.”, v.v… mà không có một câu chuyện gì phía sau. Hành động xoá tin nhắn chờ của mình ý muốn nói mình đã đọc tin nhắn và đã xử lí. Mình không thích để hàng tin nhắn chờ dài, vì tâm lí của mình sẽ bảo rằng hàng tin nhắn chờ ở đó sẽ cần được xử lí trong tương lai, trong khi rõ ràng mình đã đọc nó rồi, vậy thì cớ gì không xử lí luôn cho xong.
Hành động ngay và luôn này của mình cũng đem lại một sự thiếu công bằng rõ rệt. Những khi mình rảnh, thừa thời gian, tâm trạng tốt, mình sẽ trả lời ngược lại “Hi em.”, “Okie em hỏi đi.”. Không hề có một quy tắc nào để mình xoá tin nhắn của ai và trả lời tin nhắn của ai, tất cả là tuỳ hứng. Ngược lại, những khi tâm trạng mình không tốt, những tin nhắn thiếu nội dung sẽ bị xoá ngay lập tức, và người nhắn sẽ không bao giờ nhận được phản hồi của mình.
Nếu bạn tin rằng mình có thể giúp bạn một điều gì đó, bạn cứ thoải mái nhắn tin với mình, chắc chắn mình sẽ trả lời, có thể hơi chậm một chút thôi, miễn là tin nhắn của bạn có nội dung. Bạn không cần giới thiệu bản thân hay kể một câu chuyện rất dài, mà thay vào đó bạn chỉ cần nói rằng mình có thể giúp gì cho bạn kèm ngữ cảnh của tình huống là đủ. Mình cần ngữ cảnh để biết phải trả lời như thế nào.
Trong trường hợp bạn không cần mình giúp gì mà chỉ đơn giản để trao đổi, nói chuyện phiếm, tâm sự, tin nhắn cũng nên có đủ nội dung để mình có thể trả lời. Mình có đăng story nói rằng cuốn sách mình đang đọc quá dài, thế là có một bạn nhắn “Vậy bạn đọc xong chưa?” là đủ để mình trả lời “Mình chưa đọc xong, mới được có 16%.” và có thể câu chuyện sẽ tiếp diễn. Mình cũng từng đăng story về câu trắc nghiệm trong đề thi THPT QG môn tiếng Anh, có bạn nhắn “Với em thì cả 2 câu B và C luôn á Chị.” là đủ để mình trả lời tiếp.
Đấy, chẳng cần dông dài, chỉ cần đủ để mình có thể nói gì đó có ý nghĩa là được, thay vì chỉ ừ, ờ, hi, xin chào, oke, v.v…
Ví dụ, có một tin nhắn rất ngắn, rất đơn giản mà mình đã trả lời:
“Em có mẫu báo cáo của GM[1] không, Anh tìm trên mạng mà không ra, GM báo cáo cho Owner[2] đó em.“
[1] GM = General Manager – Tổng Quản lí khách sạn
[2] Owner = Chủ đầu tư
Tin nhắn không cần phải giới thiệu họ là ai, cũng không cần phải gọi hay chào mình “Em ơi” “Hi em”, có ngữ cảnh ngắn gọn nhưng rất đầy đủ “GM báo cáo cho Owner”, điều mình có thể giúp họ “mẫu báo cáo của GM”, và rằng “Anh tìm trên mạng mà không ra” chứ không phải là há miệng chờ sung chờ mình dâng hiến toàn bộ những điều mình biết cho họ. Là một hotelier[3], mình biết rõ rằng báo cáo này chẳng có mẫu, và cũng không ai đăng tải một báo cáo cấp cao như thế lên mạng cả. Vậy nên, dù tin nhắn rất ngắn, mình vẫn sẽ vui vẻ trả lời và thêm những thông tin mình biết. Từ đó, cuộc trò chuyện tiếp diễn.
[3] Hotelier = Người làm chuyên nghiệp trong ngành khách sạn
♡ 3 Mô Hình Kinh Doanh Khách Sạn ♡
Đây là ví dụ khác về tin nhắn mình nhận được, và dù mình đã cố gắng, nhưng cuối cùng lại không biết nói gì thêm:
Họ: “Hi Linh.” (bình thường là mình xoá rồi đó)
Mình: “Hiii.” (mong chờ một nội dung cụ thể sau đó)
Họ: “Tớ muốn hỏi cậu chút về việc làm ở ngành tài chính ở EU.” (có ngữ cảnh, nhưng quan trọng là vẫn thiếu nội dung)
Mình: “EU ý bạn là châu Âu nói chung hay là Liên minh châu Âu[4] nói riêng? Mình chỉ làm ở UK thôi, nên cũng chưa chắc những điều mình biết có thể khái quát hoá cho những quốc gia khác.” (cố gắng thoái thác một cách lịch sự, vì 2 tin nhắn rồi mà không có nội dung cụ thể gì)
[4] EU = European Union = Liên minh châu Âu, bao gồm 27 quốc gia và không có UK 😂
Họ: “Ừ mình quan tâm UK. Mình muốn qua bên đó làm mà hơi khó đang nghĩ đến việc qua học và xin việc làm.” (nội dung vẫn không thấy đâu, vẫn chỉ có ngữ cảnh)
Oke. Và????? Mình phải nói gì bây giờ? “Ừ.“? 🥲 Phải chi họ nói thêm kiểu “Mình thấy khó là bởi vì mình đã làm abc rồi nhưng kết quả là xyz. Bạn xin việc ở UK thì thấy mình nên chuẩn bị gì để tăng cơ hội việc làm sau khi học xong?” chẳng hạn, thì thể nào mình cũng sẽ trả lời bằng cách gửi chuyên mục Đi Làm > Đừng Đi Lầm cho đọc, vì các bài viết trong chuyên mục này chính là kinh nghiệm mình rút ra được và đúc kết mà thành. Nhiều khi, mình trả lời trong tin nhắn còn không đầy đủ và cụ thể bằng những bài viết đã đăng trên blog, vì theo thời gian mình sẽ quên dần đi. Sau khi đọc xong, nếu vẫn còn câu hỏi gì thì họ thoải mái nhắn tin với mình tiếp.
2. Tìm hiểu trước khi hỏi
Thật ra thông thường, miễn là tin nhắn của người lạ nhắn với mình có nội dung cụ thể, thì mình sẽ trả lời hết, kể cả khi câu trả lời cho câu hỏi đó có thể tra Google một cách dễ dàng, và mình sẽ trả lời là “Điều này bạn tra Google là có liền à.”, kiểu vậy 😝 Nhiều khi mình cũng gặp trường hợp này, kiểu suy nghĩ theo lối mòn, suy nghĩ bị giới hạn mà quên mất đến việc phải đi tra cứu. Do vậy, mình cũng thông cảm và sẵn sàng trả lời.
Bạn biết không, để trả lời cho một câu hỏi, không phải cứ trả lời đơn giản là xong, vì hầu hết mọi sự việc trên đời đều đa chiều. Mình cũng không muốn câu trả lời của mình mang tính áp đặt cho bạn, nên khi mình phản hồi tin nhắn cũng thường có ngữ cảnh tại sao mình lại đưa ra câu trả lời như vậy. Nếu câu hỏi của bạn đòi hỏi những thông tin phức tạp, thì việc tổng hợp những thông tin như vậy cũng khá tốn thời gian và công sức, thậm chí đôi khi mình cảm thấy cần phải dẫn nguồn cho câu trả lời của bản thân.
Vì thế, mình sẽ rất biết ơn khi bạn có thể tìm hiểu một chút trước khi hỏi để sự giúp đỡ của mình mang lại hiệu quả tốt hơn cho bạn.
3. Tôn trọng câu trả lời của mình
Mình rất hiểu khi mỗi người đều có ý kiến riêng và họ muốn hỏi thêm ý kiến của mình để tham khảo. Mình cũng rất vui vẻ và cởi mở trao đổi với mọi người về sự khác biệt suy nghĩ này, nhưng đồng thời cũng hi vọng suy nghĩ của mình được tôn trọng. Ý mình muốn nói, nếu sau nhiều lần trao đổi qua lại, những góc nhìn đã bắt đầu có vẻ lặp đi lặp lại, thì bạn đừng cố gắng lái câu chuyện theo hướng buộc mình phải đồng ý với bạn.
Ví dụ, trong nhóm Đại học đừng học đại có một em 2K5 mới thi đại học xong và hỏi rằng em nên chọn ngành truyền thông của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (BCVT) là nguyện vọng của bản thân hay chọn một ngành khác em không thích ở Đại học Bách khoa Hà Nội (BK). Lí do em đưa ra là BK không chuyên về truyền thông, nên nếu học truyền thông ở BK thì không hay lắm, vậy nên em chọn một ngành kĩ thuật ở BK. Tuy nhiên, họ hàng của em ở quê không ai biết BCVT là trường nào, nếu em chọn theo nguyện vọng của bản thân thì Bố Mẹ không nở mày nở mặt. Khi mọi người trả lời em bằng cách nói lên suy nghĩ của họ, thì những bình luận của em sau đó lại cho thấy em muốn được người khác đồng tình với những suy nghĩ phiến diện của cá nhân em, điển hình có thể kể đến (1) các công ti đều đánh giá cao BK hơn BCVT, (2) trường kĩ thuật thì chỉ đào tạo kĩ thuật giỏi, (3) bằng tốt nghiệp BK luôn xịn, (4) sinh viên thì đương nhiên biết BCVT nhưng để đặt lên bàn cân danh tiếng và giá trị của bằng tốt nghiệp thì BK vẫn là 1 cái gì đó, và ở quê em gần như không biết BCVT.
Đấy, vậy nên, khi trò chuyện với người lạ, việc mọi người có suy nghĩ cá nhân là rất bình thường, và việc thảo luận, trao đổi một cách văn minh cũng là rất tốt. Chỉ là, mọi người cũng nên hiểu giới hạn giữa thảo luận, trao đổi và gượng ép người khác phải đồng ý với quan điểm của bản thân.
22.07.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Cách Nhắn Tin Với Người Lạ, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tối Ưu Hoá Cuộc Sống.