Thực Chất, Học Là Một Cuộc Chơi
Mình học giỏi 😂 Đây là điều mà mình nghĩ sẽ ít ai phản đối. Không phải là mình cố tình tự cao tự đại tự kiêu gì, nhưng những thành tích học tập của mình khó mà bị xếp vào nhóm “học không giỏi lắm”, cho dù mình đã 2 lần mất danh hiệu học sinh giỏi (haha) và điểm trung bình môn của mình chỉ dao động trên dưới 8,5/10.
♡ Gửi Các Em Học Sinh THCS, THPT: Học Thế Nào Là “Giỏi”? ♡
Tuy nhiên, mình chưa bao giờ cảm thấy phải ép bản thân vào khuôn khổ để học. Tất nhiên, mình may mắn, khi không bị áp lực từ Ba Mẹ rằng phải điểm cao hay xếp hạng này nọ lọ chai. Cơ mà, bây giờ khi đã lớn và nhìn lại quãng thời gian đi học, mình thấy việc nhìn nhận việc học là một cuộc chơi hơn đã giúp mình giải toả rất nhiều những áp lực không đáng có. Và cuộc chơi này, cũng như bao cuộc chơi khác, đều có luật chơi.
1. Chấp nhận thử thách
Thay vì nghĩ rằng bạn không có cách nào trốn thoát việc học, rằng bạn bắt buộc phải thực hiện nó, và dù đây đúng là sự thật, thì cách suy nghĩ của bạn sẽ “áp đặt” tâm lí và tư duy của bản thân lên chuyện học này. Nếu vốn dĩ đây là thứ không thể thay đổi, như cách con người không thể quay ngược thời gian, thì càng chấp nhận nó sớm chừng nào bạn sẽ càng thoải mái để đón nhận nó sớm chừng ấy.
Học là một mê cung kiến thức đang chờ bạn khám phá, mỗi năm học mỗi bậc học là một cấp độ nâng cao hơn của cuộc chơi này. Mỗi khi bạn vượt qua một bài kiểm tra hay bài thi là bạn đang tích luỹ điểm kinh nghiệm để thăng cấp lên cao hơn.
Hầu hết trong chúng ta, mỗi lần tham gia một cuộc chơi, đều có cảm giác rất mạnh mẽ rằng chúng ta có thể nâng cấp, có thể đánh boss, có thể thắng. Nếu thua, chúng ta sẽ chơi lại, nỗ lực, kiên trì rút kinh nghiệm cho đến khi thắng thì thôi, hoặc chí ít cũng là đi càng xa càng tốt. Vậy thì, có lí do gì mà không áp dụng tư duy này vào chuyện học?
2. Tin rằng bạn có thể
Hẳn là bạn đã từng nghe một điều như thế này: Một lần, hai lần bạn suy nghĩ về một điều gì đó có thể sẽ chẳng ảnh hưởng gì đến bạn về lâu dài. Nhưng, nếu bạn nghĩ về nó liên tục trong một thời gian dài, thì đến một lúc nào đó, suy nghĩ ấy sẽ trở thành niềm tin, bạn sẽ cực kì tin rằng đấy là sự thật duy nhất, trừ phi có những sự kiện mang tính đột phá xảy đến để thay đổi niềm tin ấy. Vậy thì, bạn sẽ cần lặp đi lặp lại với bản thân, cố gắng tin rằng bạn có thể, cố gắng thực hiện những hành động chứng minh niềm tin ấy. Chắc chắn, sẽ có ngày thành quả đến, và hi vọng nó đến đủ sớm để bạn có thể chứng kiến một cách vẻ vang. Nếu không, bạn cũng đã có thêm những bước tiến mạnh mẽ rồi.
Bạn đang không có kết quả học tập như mong đợi. Bạn nhìn xung quanh, thấy bạn X học giỏi nhất lớp điểm cao chót vót và bạn nghĩ rằng bạn sẽ không bao giờ đạt được điều đó? Bạn có thể, hoặc chí ít cũng là có thể nâng cao điểm số của mình để tiến gần thêm 1 bước đến điểm của bạn X. Có thể hết năm lớp 12 bạn vẫn không tài nào đạt được điểm số đó, nhưng nếu sự cố gắng luôn hiện diện, điểm của bạn hẳn là đã cao hơn rồi.
Khi còn nhỏ, nếu được hỏi về việc bạn muốn làm gì khi lớn lên, hầu hết chúng ta đều có thể có những ước mơ nhưng lại không được coi trọng ở trong ngữ cảnh của riêng mình, như là ước mơ làm phi công khi gia đình không có điều kiện hay là ước mơ làm ca sĩ khi không có ngoại hình chẳng hạn. Quá trình trưởng thành đã gọt giũa những ước mơ ấy vào khuôn khổ về thu nhập, quyền lực, năng lực, nền tảng, mối quan hệ, vân vân và mây mây. Cá nhân mình cho rằng những giới hạn này đều không đáng.
Mình đã từng mơ ước làm ca sĩ, giáo viên, bác sĩ, nhà nghiên cứu khoa học, kĩ sư, quản lí khách sạn, và chuyên gia trên thị trường tài chính. Mình rất hiếm khi có suy nghĩ rằng bản thân không thể làm một điều gì đó. Mình biết có thể ở thời điểm hiện tại mình không thể, nhưng mình luôn tin nếu bản thân đủ quyết tâm và bắt tay vào hành động, thì chí ít đảm bảo mình cũng sẽ tiến gần hơn đến mục tiêu và ước mơ, dù chưa chắc mình đã có thể chinh phục nó hoàn toàn. Dù có thể không thành ca sĩ, nhưng nếu mình chăm chỉ rèn luyện thì có thể kiểm soát được giọng hát. Dù có thể không thành bác sĩ, nhưng nếu mình cố gắng đọc tài liệu thì có thể giữ gìn sức khoẻ tốt hơn và thậm chí tự xử lí những tình huống nhẹ. Dù có thể không thành kĩ sư, nhưng nếu mình tiếp thu những kiến thức vật lí thì có thể tự sửa chữa những vật dụng trong nhà.
Shoot for the moon, even if you fail, you will land among the stars.
Không thành công cũng thành nhân.
3. Lộ trình và chiến lược là thanh gươm báu
Để thắng cuộc chơi là học, bạn phải biết luật chơi và tìm ra cách chơi hiệu quả nhất đối với từng môn học một. Đối với môn học A, bạn cần chăm chỉ thì mới có thể thắng. Đối với môn học B, bạn lại cần nắm vững các kiến thức cơ bản và luyện tập nhiều để trở thành phản xạ, từ đó phát triển sang nhiều dạng và mức độ khó khác nhau. Đối với môn học C, bạn phải quan sát và va chạm cuộc sống thì mới có thể hiểu và áp dụng kiến thức. Nếu bạn chăm chỉ học môn B, luyện tập môn C, và quan sát môn A thì tiến triển của bạn sẽ không khả quan lắm đâu.
Không ai bẩm sinh đã biết mình giỏi gì, mình muốn gì, mình có thể làm gì. Vậy thì, thử nghiệm nhiều cách khác nhau là phương án hiệu quả nhất để đi tìm câu trả lời. Hãy dành ra thời gian đủ dài để trải nghiệm của bạn đủ nhiều để có thể đưa ra kết luận chắc chắn. Cho dù bạn lựa chọn lộ trình và chiến lược học nào đi chăng nữa, đừng quên việc học là vì chính bạn. Người ta mong muốn bạn điểm cao, thứ hạng cao, nhưng bạn lại chỉ muốn học lệch môn học bạn hứng thú, không vấn đề gì. Chỉ là, đồng thời, cũng đừng bỏ qua mục tiêu đường dài. Ví dụ, bạn muốn nộp học bổng RMIT, nhưng vì học lệch nên điểm trung bình của bạn không đủ cao, thì lúc đấy bạn lại không hoàn thành được mục tiêu. Nhớ cẩn thận và cân bằng cho hợp lí theo nhu cầu của mình là được.
Mình có 2 bài viết về cách học, (1) là cách học để “giỏi, và (2) là cách học để “thi” 😝
♡ Viên Đạn Bạc Giúp Mình Học “Giỏi” ♡
♡ Học Tàn Tàn Thi Đâu Trúng Đó ♡
4. Tạo môi trường hỗ trợ
Ngoài niềm tin vào bản thân, mình còn có niềm tin mãnh liệt vào sự ảnh hưởng của môi trường lên một con người. Sẽ rất khó để bạn chơi nhạc hay trên một cây piano gỗ nếu từ xưa đến nay bạn chỉ học và luyện tập trên một cây keyboard. Cũng sẽ rất khó để bạn có thể tập trung vào học đúng mục tiêu của bản thân khi Bố Mẹ và mọi người xung quanh đòi hỏi và gây áp lực cho bạn phải học theo mong muốn của họ. Rất đáng tiếc, không phải lúc nào chúng ta cũng có sự lựa chọn và khả năng quyết định. Tuy nhiên, với hầu hết mọi người, chúng ta luôn có thể chuẩn bị hành trang cho ngày bản thân thể tự đưa ra quyết định.
Mình kể cho bạn một câu chuyện. Anh Z thi và học ngành y đa khoa vì Bố Mẹ mong đợi. Khi đó, Anh ấy chưa đủ vững tin để tự lựa chọn theo nguyện vọng của bản thân. Sau 6 năm, Anh tốt nghiệp, đưa bằng cho Bố Mẹ và dõng dạc: “Con đã học y theo nguyện vọng của Bố Mẹ. Bây giờ, con sẽ thi lại và học ngành ngân hàng theo nguyện vọng của con.” Dù đáng tiếc, nhưng người lớn cũng có thể sai.
Luôn có khoảng thời gian chúng ta phải phụ thuộc vào ai đó, khi nhỏ thì là Cha Mẹ, lớn lên thì phức tạp hơn. Nhưng, điều đó không có nghĩa là, tình huống phụ thuộc đó sẽ mãi mãi là như thế. Có thể, môi trường của bạn ở thời điểm hiện tại không tối ưu, nhưng nếu bạn cố gắng mỗi ngày thêm một chút, dù ít thôi, dù nhỏ thôi, bạn sẽ tạo ra một môi trường tốt hơn. Một ngày nào đó, môi trường đó sẽ là lợi thế của bạn.
Trong cuộc chơi học tập này, nhờ việc chủ động cày Excel, đọc sách báo về ngành tài chính, tham gia các sự kiện kết nối với các Anh Chị đi trước, mà một đứa tốt nghiệp ngành quản trị khách sạn là mình chỉ mất 1 năm để chuẩn bị hồ sơ thuyết phục Big 4 thu nhận làm tư vấn tài chính. Sau tất cả, mình cảm thấy mọi nỗ lực trước đây đều xứng đáng.
—
Hôm nay mình đăng bài này muộn hơn so với lịch 20:00, vì mình mãi vẫn không hài lòng. Mình có cảm giác những ý tưởng bị mông lung và thiếu định hướng. Chỉ là, gần đây đã có 2 người phản hồi trực tiếp với mình là mình quá thông minh nên mới không cần học mà vẫn giỏi. Mình có chút không cam tâm, vì mình cảm thấy ý này phủ định tất cả những cố gắng và niềm tin mình và Bố Mẹ xây dựng cho bản thân trong hơn 20 năm qua.
Mình cũng muốn thật nhiều người đạt được những thành quả tốt đẹp, những mục tiêu mà họ đặt ra như cách mình đã từng, nhưng đồng thời lại “có lòng mà không có sức” khi phần lớn lại chỉ muốn đạt được những điều đó sau một đêm. Tất nhiên, đây là điều không thể. Mình không thông thạo Excel chỉ sau một khoá học, mình không vô được Big 4 ngay từ lần đầu nộp đơn, mình không tự nhiên mà viết được CV một cách xịn xò.
Haiz, chắc là trải nghiệm và va chạm cuộc sống của mình chưa đủ sâu sắc. Thôi, chắc là cứ tạm như thế này trước vậy. Biết đâu, 3 năm sau, khi đọc lại, có lẽ mình sẽ có định hướng tốt hơn.
13.07.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Thực Chất, Học Là Một Cuộc Chơi, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Suy Ngẫm.