Dám Nghĩ Lớn
- Sách: The magic of thinking big / Dám nghĩ lớn
- Tác giả: David J. Schwartz
- ISBN: 0671646788
Mua sách:
1. Trích dẫn hay từ sách Dám Nghĩ Lớn
Dr von Braun: “Con người thuộc về nơi mà họ muốn đến.”
Nếu ai đó mà nói với bạn rằng mong muốn của bạn không thể thực hiện được, thì ngay cả bản thân họ cũng là người không thành công. Ý kiến của họ có thể mang tính độc hại đấy.
2. Ghi chú từ sách Dám Nghĩ Lớn
Tất cả mọi thứ đều bắt nguồn từ suy nghĩ của bạn. Hãy nghĩ đến thành công, và bạn sẽ hành động theo phương hướng của sự thành công, bằng cách nghiên cứu những gì cần thiết, theo dõi những người đã có thành tựu và cuối cùng tìm ra cách đạt được mục tiêu của mình.
Những người không thành công thường viện lí do tại sao họ không thành công như lẽ ra họ nên thế. Ban đầu, những lời bào chữa này khiến bạn cảm thấy sai sai, nghe là biết đó chỉ là cái cớ. Tuy nhiên, nếu lí do này cứ được lặp đi lặp lại, nó sẽ ăn sâu vào tiềm thức của họ. Do đó, bước đầu tiên để thành công là miễn bào chữa và nguỵ biện.
Bài học từ Einstein là tâm trí nên được sử dụng để suy ngẫm hơn là ghi nhớ thông tin, vì thông tin đều có thể được tìm thấy một cách dễ dàng. Suy ngẫm sẽ giúp giải quyết vấn đề, tìm ra giải pháp và đưa ra kết luận. Chỉ các thông tin thôi sẽ không thể tạo ra kết quả.
Sự sợ hãi sẽ ngăn cản bạn đạt được những gì bạn muốn. Để chữa nỗi sợ, bạn cần xây dựng sự tự tin và hành động. Sự tự tin có thể luyện tập được, không phải bẩm sinh. Bất kì nỗi sợ nào đều có hành động tương ứng làm thuốc chữa.
Để xây dựng sự tự tin, hãy ngồi ở phía trước trong khán đài, hãy giao tiếp bằng mắt, hãy đi bộ nhanh hơn, hay nói ra ý kiến của bạn và hãy mỉm cười.
Chúng ta có thể đã nghe rất nhiều về hiệu ứng gộp. Bất cứ điều gì lặp đi lặp lại nhiều lần sẽ phát triển thành một thứ lớn hơn ban đầu rất nhiều. Suy nghĩ của bạn cũng vậy. Bạn càng suy nghĩ tiêu cực, một ngày nào đó nó sẽ trở thành con quái vật giết chết bạn về mặt tinh thần.
Bạn phải tin rằng mọi thứ đều có thể. Bạn phải muốn nó. Chỉ khi đó, bạn mới tìm thấy giải pháp để biến suy nghĩ thành hiện thực. Có ý chí sẽ có con đường.
Trong khi nhiều bài học tập trung vào việc dạy bạn cách từ bỏ những thứ không quan trọng để tiết kiệm công sức cho những thứ thiết yếu, thì cuốn sách này dạy bạn tập trung vào việc xác định cơ hội và làm nhiều hơn, đồng thời phát triển nó trở nên tốt hơn nữa. Khi đó, bạn sẽ trở nên nổi bật. Nếu đó là điều bạn thực sự muốn và bạn tin rằng mình có thể làm được, thì bạn sẽ giải quyết được tất cả. Việc cắt giảm những thứ không quan trọng có thể là một phần của hành trình phát triển này.
Giới hạn chỉ là do xã hội tuyên truyền thôi. Bạn còn quá trẻ. Bạn đã quá già. Bạn cần may mán. Bạn phải có những người bạn quyền lực. Bạn phải có tiền. Thật ra, không có gì là đúng. Đây chỉ là nỗi sợ và sự bất an của bạn mà thôi.
Để nhiệt tình làm một điều gì đó, hãy chủ động tìm hiểu sâu hơn về nó. Ngay cả khi bây giờ bạn chưa quan tâm đến chủ đề đó, bạn càng biết nhiều, bạn lại càng trở nên quan tâm hơn. Thích một người cũng như thế.
Thật vô nghĩa khi lan truyền những điều tiêu cực, kể cả việc thời tiết không tốt. Hãy cố gắng tìm kiếm những điều tốt đẹp trong những điều tồi tệ, vì nó làm tâm trạng của bạn tươi sáng hơn. Trên thực tế, bạn nghĩ bạn cảm thấy như thế nào thì bạn sẽ cảm thấy y như thế.
Bất cứ ai trong chúng ta đều quan trọng. Hãy nghĩ xem, nếu bạn bị lạc trong rừng, hàng trăm người và hàng ngàn đô la sẽ được chi để đi tìm bạn.
Nguyên tắc của tiền bạc: Bạn cung cấp dịch vụ trước, tiền sẽ tự động đến. Dịch vụ có thể được cung cấp bằng cách cho đi nhiều hơn những gì người khác mong đợi từ bạn. Thông thường, bạn mang lại kết quả tốt hơn khi làm những việc mà bạn đam mê, nhưng sự nhiệt tình không tự nhiên mà có. Bạn tự nhiên thích những thứ mà bạn có kiến thức sâu rộng. Do đó, hãy tìm hiểu sâu hơn về những thứ mà thoạt đầu trông có vẻ chẳng thú vị gì. Một khi bạn biết nhiều hơn, bạn sẽ thích nó hơn và bạn sẽ làm công việc đó tốt hơn.
Suy nghĩ hoạt động theo chuỗi, một suy nghĩ sẽ kích hoạt cả một chuỗi suy nghĩ. Do đó, bạn nên chú ý tìm xem suy nghĩ đầu tiên trong chuỗi là gì và biến nó thành tích cực.
Hãy tự hỏi: “Tôi có thể làm gì để bản thân xứng đáng hơn với cơ hội tiếp theo?”
Việc cảm thấy sợ hãi trước khi bạn chuẩn bị làm điều gì đó là bình thường. Cách chữa trị duy nhất và nhanh nhất cho nỗi sợ hãi này là hành động. Chỉ cần bắt tay vàp thực hiện, bạn sẽ học hỏi trong cả quá trình để trở nên tốt hơn, từ đó tăng cường sự tự tin cho bản thân. Bạn càng trì hoãn, nỗi sợ sẽ càng lớn. Nếu bạn sợ nhảy xuống bể bơi, bạn chỉ cần nhảy thôi và nỗi sợ sẽ biến mất.
Hãy hành động dựa trên ý tưởng của bạn. Mọi người xung quanh nhìn thấy người có sáng kiến, chứ không phải người mà ai nói gì họ làm đấy. Hành động sẽ thể hiện tham vọng và năng lực của bạn.
Nếu đối mặt với thất bại, hãy tìm kiếm lí do tại sao BẠN không thành công. Những lí do này phải đến từ bạn, phải là lỗi của bạn. Từ đó, bạn sẽ có một tầm nhìn rõ ràng về những gì bạn nên làm để giành chiến thắng trong lần tới. Từ đó, bạn cũng sẽ học được bài học để trở nên tốt hơn. Nếu bạn cố gắng chứng minh rằng thất bại của bạn là khách quan, thì bạn sẽ chẳng học được gì cả.
Thất bại là một phần không thể tránh của bất kì thành công nào. Cố gắng hạn chế thất bại có nghĩa là không có sự tiến bộ nào cả.
Để đạt được một mục tiêu lớn, bạn cần bước từng bước một. Đừng cố gắng đi vèo đến đích trong một thoáng, bạn chỉ cần cố gắng tiến thêm một bước tại một thời điểm thôi.
Thời gian bạn ở một mình không bị phân tâm sẽ giúp bạn suy ngẫm cách tiến về phía trước và lập kế hoạch cho tương lai. Trong lịch sử, thời gian trong tù đã được chứng minh là rất có ích cho các nhà lãnh đạo vĩ đại, ví dụ như Hitler, Lenin, Marx, v.v.
Đừng để những người nhỏ mọn đẩy bạn xuống. Hãy từ chối chiến đấu với họ. Hãy từ chối để bản thân bạn suy yếu đến mức độ của họ.
3. Đôi điều mình muốn nói từ việc đọc sách
Cuốn sách Dám Nghĩ Lớn ban đầu thoạt nhìn có vẻ giống với bất kì một cuốn sách phát triển cá nhân khác cho đến khi mình gặp được ý tưởng “sự tự tin tức là cảm giác như đứng trên đỉnh thế giới”. Đây là mục tiêu mà mình luôn cố gắng trau dồi, dù nhiều khi mình không dám nói ra vì không muốn bị coi là kiêu ngạo.
Có một ghi chú trong cuốn sách mà mình đã chấp nhận từ lâu: “Bạn chính là sản phẩm do môi trường tạo ra.” Mình có thể nhận thấy sự khác biệt giữa mình và nhiều người khác, trong cách mình suy nghĩ và cách mình phản ứng với mọi việc. Theo mình, sự khác biệt này xuất phát từ giáo dục gia đình, cụ thể là cách chúng ta được nuôi dạy trong thời thơ ấu và thiếu niên. Quãng thời gian này hình thành nên niềm tin và tư duy không dễ thay đổi của mỗi người. Mình nghĩ, bài học lớn nhất khi hiểu ra điều này đối với mình là việc mình cần tôn trọng những khác biệt như vậy. Mình có thể cố gắng sử dụng lí lẽ để thuyết phục hoặc giải thích cho người khác tại sao mình suy nghĩ hoặc hành động theo cách mình suy nghĩ và hành động, nhưng mình không nên mong đợi họ thay đổi để làm điều tương tự. Sự thay đổi phải xuất phát từ bên trong, từ chính họ, và mình không thể làm gì khác hơn.
Bạn đã bao giờ nghe “Hãy tự bảo vệ mình trước những người nói với bạn rằng bạn không thể làm được. Tuy nhiên, đồng thời, hãy ghi nhận những điều họ nói và chứng minh rằng bạn hoàn toàn có thể.”? Thời phổ thông, không ai tin một học sinh chuyên ngữ sẽ có thành tích cao môn toán. Mình đạt giải Nhì Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán MTBT trong khi đang theo học chương trình song ngữ Pháp – Việt. Trong lĩnh vực khách sạn, người ta nói “Không ai giao cho bạn vị trí quản lí ngay khi bạn vừa tốt nghiệp đại học cả.” Mình giữ vị trí trưởng bộ phận đặt phòng khi mới 20 tuổi, vẫn đang là sinh viên đại học.
Chúng ta thường hay nghe mọi người phàn nàn, rằng thì là chương trình học vô ích vô nghĩa không thể đóng góp cho sự thành công trong tương lai. Họ liệt kê những tỉ phú bỏ học đại học, họ đề cập rằng nhiều loại bằng cấp chẳng dạy bạn đủ cụ thể để tìm việc sau khi tốt nghiệp, họ coi thường chương trình học khó ở bậc phổ thông, v.v… Người ta nói nhiều, nhưng người ta cũng quên nhiều. Bạn có thể không cần kiến thức bạn học được trên trường học sự nghiệp sau này, như cách mình tham gia vào lĩnh vực tư vấn tài chính với tấm bằng quản trị khách sạn, nhưng những hành động của bạn tại trường cũng chứng minh rất nhiều kĩ năng mềm: tính nhất quán, tính chính trực, sự tò mò, khả năng hoà nhập, kĩ năng giải quyết vấn đề, khả năng kỉ luật tự giác, v.v… Dựa trên những đặc điểm bạn muốn chứng minh với nhà tuyển dụng, thời gian ở trường thực tế lại rất hữu dụng, kể cả khi bạn học ngành chẳng liên quan gì.
“Cái giá mình trả cho những điều mình đã đạt được là rất nhiều thất bại.”
—
05.06.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Dám Nghĩ Lớn, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Đọc Sách.