0
Your Cart

♡ Đọc Sách: Hành Trình Nâng Cao Nhận Thức ♡

đọc sách nâng cao nhận thức

Đọc Sách: Hành Trình Nâng Cao Nhận Thức

Mình không xếp bài viết này vào chuyên mục Đọc Sách, vì chuyên mục ấy chỉ dành riêng cho các ghi chú của mình từ những cuốn sách mình đã đọc thôi. Bài viết này không được viết theo dạng bài chia sẻ thông thường, mà giống như một mẩu nhật kí hơn khi mình nhìn lại và suy ngẫm cho hành trình theo đuổi trang giấy sắp tới.

1. Tư duy về đọc sách của mình hiện tại

Mình bắt đầu thực sự rèn bản thân vào việc đọc sách để nâng cao nhận thức từ năm ngoái, 2022, khi mình tốt nghiệp đại học. Dù theo mình thấy, thời điểm bắt đầu này là hơi trễ, nhưng ít ra thà trễ còn hơn không. Ban đầu mình đặt chỉ tiêu 12 đầu sách cho 2022, và mình đã đạt chỉ tiêu này, nhưng mình không vui lắm. Trong tiềm thức, khi mình đặt chỉ tiêu, mình tưởng tượng bản thân sẽ hoàn thành 12 đầu sách phi văn học cơ. Dù mình đọc nhiều hơn 12 cuốn (nhiều), đa số toàn là tiểu thuyết ngôn tình Trung Quốc đăng trên mạng.  

Trong quá trình rèn bản thân vào khuôn khổ đọc sách sau thời gian dài bỏ quên, mình đã gặp được những thói quen bổ ích giúp nâng cao nhận thức. Ban đầu, mình cũng chỉ đọc xong cuốn sách nào là gấp lại rồi thôi. Sau 2 quyển, mình nhận ra mình chẳng nhớ gì ngoài những ấn tượng chung chung mơ hồ. Chính xác hơn, mình đã cảm thấy tiếc nuối rất lâu, rất rất lâu khi không đọc chậm hơn và ghi chú lại The King Of Oil: The Secret Life Of Marc Rich.

Đến bây giờ mình vẫn còn tiếc, dù hiện tại không phải là thời điểm tối ưu để mình đọc lại cuốn này. Sách rất dài, bao hàm rất nhiều yếu tố lịch sử và địa chính trị mà mình không thể sắp xếp được thời gian vì nó không phù hợp với mục tiêu mình muốn hoàn thành trong năm nay. Đổi lại, chính nhờ sự tiếc nuối này, mình bắt đầu học theo Derek Sivers và lưu lại những gì mình muốn nhớ từ các cuốn sách.  Trong cái rủi có cái may!

Mình viết ghi chú sách bằng tiếng Anh, nhưng chia sẻ lại trên blog bằng tiếng Việt. Mình luôn cố gắng dịch cho mượt nhất có thể, vì dù là tiếng Anh hay tiếng Việt thì ý tứ của câu chữ vẫn là của mình. Chỉ là, mình học Văn hơi dở, nên nhiều khi vốn từ của mình cũng không xịn xò lắm. Mong bạn thông cảm 🥲 

2. Sách chữ hay sách nói?

Nhờ nhu cầu nâng cao nhận thức thông qua việc đọc sách, mình bắt đầu theo dõi KOL (người có sức ảnh hưởng) duy nhất về sách là Anh Thomas Hefke để tìm thêm cảm hứng. Anh ấy đọc rất rất nhiều sách, và đề xuất việc nghe sách nói khi làm những việc không cần suy nghĩ nhiều như tập gym, chạy bộ, nấu ăn, v.v…

Sách nói hoàn toàn không nằm trong suy nghĩ của mình, từ xưa đến nay. Mình hiểu bản thân khá rõ về khả năng tập trung và tiếp thu, rằng mình sẽ rất dễ mất tập trung và gần như không thể lưu giữ bất kì thông tin gì cụ thể nếu chỉ nghe mà thôi. Bạn biết tại sao IELTS Listening của mình chỉ có 8.5 không? Mình mất tập trung một lúc rồi mới nhớ ra là đang nghe bài thi chỉ được đúng nghe 1 lần 🥹. Một bài nghe 30 phút đã làm mình mất tập trung, vậy một cuốn sách nói vài tiếng đồng hồ sẽ bị mình bỏ lỡ đến mức nào?

Điều này đối với mình không bất thường, bởi mình quen rồi, từ lâu đã thế. Ngược lại, nếu tập trung đọc chữ, mình sẽ nhớ lâu hơn, ấn tượng lưu giữ tốt hơn, cộng thêm việc mình còn ghi chú nữa, thì mục đích của việc đọc sách mới đạt được hiệu quả tối ưu. Tuy nhiên, mình lại bắt đầu tham. 

Mình cũng muốn đọc sách văn học. Chỉ là, nếu mình cứ dành thời gian chủ động tập trung cao độ để đọc thể loại này thì mình cảm thấy có chút uổng phí nhẹ, bởi sự tập trung cao độ này là không quá cần thiết. Mình chỉ muốn nắm được cốt truyện chính và thông điệp tác giả muốn truyền tải, và nếu mình có bỏ lỡ một tí xíu chi tiết thì cũng không sao cả.

3. Mình đọc sách như thế nào?

Mình đã từng viết một bài rất chi tiết về việc ♡ Đọc Sách Giá 0 Đồng ♡ siêu tiết kiệm. Tất nhiên, phương án này không phải tối ưu vì vi phạm bản quyền sách, nhưng nếu điều kiện của bạn eo hẹp thì có thể cân nhắc. Mình đọc sách trên Kindle, vì nhà mình rất bé, không có đủ chỗ chứa số lượng sách mình đọc bằng giấy. Hơn nữa, mình đọc sách giấy thể loại sách giáo khoa là chủ yếu, vì mình nhận ra việc học như vậy hiệu quả hơn.

Gần đây mình đã tìm thấy một ứng dụng sách nói là Fonos. Vì mình chỉ có nhu cầu nghe sách văn học mà thôi, nên mình chỉ đăng kí gói hội viên 1 tháng 99.000 VND rồi mua thêm 10 thẻ sách 599.000 VND. Tính ra, mình sở hữu 11 cuốn sách với chỉ 63,455 VND/cuốn, rẻ hơn đăng kí gói hội viên 12 tháng 899.000 VND/12 cuốn mà phải chờ mỗi tháng chỉ được phát 1 thẻ. Số lượng sách văn học của Fonos vẫn còn rất ít, trong khi thẻ sách lại chỉ có hạn dùng 12 tháng. Mình hi vọng Fonos có thể tăng số lượng sách nói thể loại văn học nhiều lên trong thời gian tới, đặc biệt là những cuốn siêu phổ biến trên thế giới như của tác giả Dan Brown hay Nicholas Sparks.
(Không tiếp thị liên kết, không quảng cáo nhé)

Bình luận nho nhỏ, sách Nguồn Cội của Dan Brown là cuốn thứ 5 trong loạt sách Robert Langdon. Nếu Fonos không có cuốn 1, 2, 3, 4 thì làm sao mình nghe cuốn số 5 này được? 😢 



13.04.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Đọc Sách: Hành Trình Nâng Cao Nhận Thức, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tối Ưu Hoá Cuộc Sống.

One thought on “♡ Đọc Sách: Hành Trình Nâng Cao Nhận Thức ♡

Bình luận