0
Your Cart

♡ Tại Sao Airbnb Không Thể Đe Doạ Các “Ông Lớn” Khách Sạn? ♡

Tại Sao Airbnb Không Thể Đe Doạ Các “Ông Lớn” Khách Sạn?

Từ những năm 2015 – 2016, mình đã bắt đầu nghe nhen nhóm rằng Airbnb là một mối nguy đe doạ ngành khách sạn truyền thống, kể cả các “ông lớn”. Khi đi học ở Thuỵ Sĩ, mình đã từng nghĩ là điều này nghe cũng có vẻ hợp lí đấy. Các Thầy Cô ở trường cũng đặt vấn đề về điều này, nhưng mình luôn cảm thấy vẫn còn hơi lấn cấn với bài giảng. Bây giờ thì mình đã hiểu, lúc đó cảm giác lấn cấn của mình xuất phát từ việc những giải thích hay phương pháp đề xuất của các Thầy Cô đều chỉ ở mức bề mặt, có thể coi là khá hời hợt và mình cảm thấy rằng câu chuyện sự cạnh tranh của cả một ngành công nghiệp không thể chỉ có thế.

Nếu bạn vẫn đang nghĩ rằng Airbnb có thể đối đầu đến mức đe doạ các cái tên khách sạn khổng lồ, bạn đã nhầm. Vậy thì, tại sao lại như thế, và đa số mọi người đang chưa hiểu đúng ở chỗ nào?

1. Hiểu nhầm của mọi người

Khi bạn nghĩ đến các “ông lớn” khách sạn, bạn sẽ nghĩ đến những khách sạn rất quy mô, có đầy đủ tiện nghi và một dịch vụ khách hàng thuộc hàng top. Để xây một khách sạn quy mô lớn như vậy, chưa gì về thời gian là đã mất vài năm, còn nào là chi phí thiết kế, giấy phép, thi công, đất đai, vân vân và mây mây lên đến vài chục cả trăm triệu USD.

Airbnb không sở hữu căn phòng nào trong số các căn phòng được đăng trên hệ thống. Ai cũng có thể niêm yết và kiếm tiền từ phòng, căn hộ hoặc ngôi nhà của mình trên ứng dụng và trang web của Airbnb. Hầu như chủ nhà cho thuê phòng trên Airbnb là bởi vì họ đã có sẵn nguồn cung đang để trống. Nốc ao (knock out) lần 1! 😧

Tiếp theo, bạn sẽ nghĩ, hừm, chi phí dự án là thế, vậy chi phí vận hành thì sao?

Kể cả khi khách sạn không có một đồng chí khách hàng nào, thì nhân viên vẫn phải đi làm, điện đóm vẫn phải bật, các công năng của khách sạn vẫn phải chạy. Kể cả khi mọi thứ được giữ ở mức tối thiểu thì số tiền phải trả vẫn nhiều. Trong khi các căn hộ phòng trống của Airbnb nếu không có khách ở thì thôi, ngoài mỗi cái tủ lạnh ra chắc… không còn gì khác phải chạy. Đả bại lần 2! 🙂

Sau đó, bạn đi gu gồ thử. Tổng số phòng của 2 “ông lớn” nhất ngành khách sạn là Marriott + Hilton còn không bằng một nửa 6,6 triệu niêm yết trên nền tảng Airbnb. Số lượng áp đảo như thế, Airbnb lấy hết khách của khách sạn rồi còn đâu? Chiếu tướng lần 3! 😝

  • airbnb đe doạ khách sạn
  • airbnb đe doạ khách sạn

Đây là 3 hiểu nhầm lớn nhất của mọi người khi nghĩ rằng Airbnb có thể đe doạ các “ông lớn” khách sạn. Mình sẽ đi lí giải các hiểu nhầm theo thứ tự ngược lại (mình thích thế 😂), bởi bạn sẽ dễ bắt gặp các Thầy Cô cũng như các CEO của các tập đoàn khách sạn trả lời về hiểu nhầm số 3 trong cuộc cạnh tranh giữa khách sạn và Airbnb.

2. Giải thích hiểu nhầm “số lượng phòng áp đảo”

Các Thầy Cô và CEO tập đoàn thường sẽ dùng lợi thế cạnh tranh của khách sạn thương hiệu lớn so với các phòng lẻ tẻ của Airbnb làm cách giải quyết cho vấn đề này: chất lượng dịch vụ, và tính nhất quán trong trải nghiệm khách hàng. Do bản chất của mô hình, Airbnb đúng là sẽ gần như không thể nào đe doạ được khách sạn ở khoản này. Từ đó, họ có thể tranh luận rằng, lợi thế cạnh tranh này vẫn giúp khách hàng lựa chọn khách sạn để lưu trú, thay vì Airbnb.

Airbnb không quản lí cũng như không đưa ra bất kì điều kiện nào về quy chuẩn cho chủ nhà trong việc niêm yết phòng trên nền tảng, cho nên tính nhất quản trong trải nghiệm khách hàng là thứ Airbnb thiếu. Chất lượng dịch vụ của các phòng trên Airbnb cũng phụ thuộc hoàn toàn vào sự vận hành của chủ nhà. Do vậy, sự đe doạ về số lượng phòng của Airbnb chưa chắc thu hút được cùng số lượng tương ứng khách hàng, dù tất nhiên người lựa chọn ở Airbnb thay vì khách sạn tên tuổi vẫn có. Chỉ là, như vậy vẫn không đủ.

Cụ thể, khi lưu trú tại các khách sạn có tên tuổi, bạn luôn biết bạn nên kì vọng gì vào tiện nghi và dịch vụ. Nếu bạn cần bất kì thông tin gì về khu vực xung quanh, nhân viên bộ phận tiền sảnh luôn ở đó bất kì lúc nào, sáng sớm lẫn đêm khuya. Nếu bạn cần xử lí dọn dẹp phòng gấp bất kì khi nào, khách sạn vẫn đáp ứng bạn. Bạn có thể trải nghiệm hồ bơi của khách sạn, nhưng chưa chắc bạn đã được phép trải nghiệm hồ bơi trong khu căn hộ bạn thuê trên Airbnb. Vì quy định của luật pháp trong kinh doanh khách sạn, các khách sạn truyền thống buộc phải đảm bảo an ninh cho khách hàng. Đây chỉ là một vài ví dụ cơ bản để cho thấy rằng chất lượng dịch vụ của Airbnb phụ thuộc hoàn toàn vào cách chủ nhà vận hành mà không có đủ chế tài để quản lí.

Ngoài ra, số lượng phòng áp đảo của Airbnb đáng tiếc không đe doạ được năng lực kinh doanh của các “ông lớn” khách sạn. Họ có nguồn lực và tiềm lực rất dồi dào và tập trung về dữ liệu, nguồn khách hàng, marketing, v.v… để nắm được thị trường. Họ biết khi nào cần tăng hay giảm giá, họ biết khi nào cần chạy chương trình khuyến mãi kiểu gì, họ biết loại nguồn cung khách hàng của khu vực, họ biết những sự kiện nào là có lợi hoặc không có lợi cho việc kinh doanh, và còn hơn thế nữa.

Airbnb có số lượng, nhưng không có chất lượng.

3. Giải thích hiểu nhầm “chi phí vận hành”

Thật ra không có cách giải thích trực tiếp nào cho sự chênh lệch về chi phí vận hành của khách sạn quy mô lớn so với các căn Airbnb. Tuy nhiên, cách giải thích gián tiếp thì vẫn có.

Chính nhờ lợi thế về chi phí vận hành, một cách mà các căn Airbnb (hay nói chính xác hơn là chủ nhà trên Airbnb) có thể dùng, và họ cũng rất thường dùng, để đe doạ khách sạn truyền thống là giá. Ngoại trừ việc trong chuyến đi mình muốn lưu trú dài hạn và tự nấu ăn, đó sẽ là lúc duy nhất mình chọn ở Airbnb thay vì khách sạn, và số lượng chuyến đi kiểu này cũng ít. Lí do duy nhất, chính là bởi vấn đề chi phí mình phải bỏ ra cho chuyến đi.

Xét về mặt chi phí, khách sạn phải nuôi vận hành tối thiểu dẫn đến giá cao. Tuy nhiên, thực tế, giá trên Airbnb nếu bạn thuê phòng cho 1 – 2 người lưu trú với điều kiện gần tương đương khách sạn thì sự đe doạ về giá là không đáng kể.

  • airbnb đe doạ khách sạn
  • airbnb đe doạ khách sạn

Nếu bạn nhìn vào bản đồ bạn sẽ thấy, ở cùng một khu vực phía bắc Tower Bridge (Cầu Tháp) ở London, tầm giá của khách sạn 3 sao trở lên được đánh giá trên Google hơn 3.5/5 điểm có chi phí khá cân bằng so với Airbnb. Trong đó, có những “ông lớn” khách sạn như Travelodge, Premier Inn có giao động giá 60 – 100 GBP/đêm, hay cả InterContinental cũng chỉ 120 GBP/đêm. Với Airbnb tầm giá ngang ngửa này, lí do gì để khách chọn Airbnb thay vì các “ông lớn”, khi thậm chí các “ông lớn” còn có đủ chiêu trò quyền lợi bên lề để lôi kéo và giữ chân người tiêu dùng?

Tất nhiên so sánh trong bài viết này chỉ thực hiện ở một khu vực, và một lần so sánh là không đủ để đại diện cho sự cạnh tranh toàn diện của ngành trên khắp thế giới. Bạn hoàn toàn có thể thử so sánh thêm vài chục, thậm chí vài trăm khu vực khác nữa để có dữ liệu cho kết luận cuối cùng của riêng bạn, nhưng kết quả sẽ không khác biệt lắm đâu 😊

4. Giải thích hiểu nhầm “chi phí dự án”

Thời xưa xửa xừa xưa, đúng là các “ông lớn” khách sạn như Conrad Hilton hay J. Willard Marriott đều xuất phát từ xây khách sạn rồi tự vận hành. Thế nhưng, các “ông lớn” thời nay đã khác rồi.

Mình đã từng phân tích ♡ 3 Mô Hình Kinh Doanh Khách Sạn ♡. Những gì bạn hay nghe trên truyền thông khi mổ xẻ sự cạnh tranh giữa Airbnb và các “ông lớn” khách sạn thuộc về mô hình owned/leased (sở hữu/thuê đất). Thế nhưng, mô hình này chỉ còn chiếm thị phần siêu nhỏ, và thậm chí có những ông lớn còn không có một khách sạn owned/leased nào, nổi tiếng là Wyndham. Mình chỉ tìm được con số cụ thể của Hilton trên Wikipedia rơi vào 1,05% khách sạn, còn lại là managed (quản lí) và franchised (nhượng quyền) sạch sành sanh. Vậy thì điều này liên quan gì đến Airbnb?

Sự cạnh tranh này giữa Airbnb với khách sạn được nhắc đến y như cách Uber/Grab cạnh tranh với taxi. Họ đề cập đến việc Airbnb không sở hữu một bất động sản nào, hay Uber/Grab không sở hữu một chiếc xe nào. Thế nhưng, tình cảnh của taxi so với khách sạn là hoàn toàn khác biệt.

Trước sự xuất hiện của Uber/Grab, các hãng taxi thực sự sở hữu xe thuộc danh mục tài sản. Chúng ta tưởng Airbnb có khả năng đe doạ khách sạn như cách Uber/Grab đã làm với taxi, rằng thì là Airbnb đã tiên phong trong mô hình kinh doanh dịch vụ từ các loại phí và không sở hữu tài sản. Thực tế, các “ông lớn” đã vận hành khách sạn với mô hình managed và franchised từ lâu. Họ không hề sở hữu bất động sản khách sạn, chi phí dự án cũng thuộc về chủ đầu tư. Nhờ đó, các “ông lớn” có thể vận hành và mở rộng nhờ tính thanh khoản cao. Không chỉ có khách sạn, mà các thương hiệu cà phê, trà sữa, hay cả McDonald’s cũng mở rộng kinh doanh theo mô hình này.

5. Airbnb có gì hơn khách sạn?

Chê Airbnb đã đời rồi, vậy Airbnb có gì hơn so với khách sạn hay không? Tất nhiên là có!

Để xây một khách sạn, thông thường phía vận hành – dù có là “ông lớn” hay không – cũng cần nhìn thấy nhu cầu của thị trường phải đạt đến một mức độ nhất định. Vậy, ở những khu vực mà thị trường không có nhu cầu đủ lớn cho lưu trú ngắn hạn, Airbnb sẽ lên ngôi. Đặc biệt, nếu chủ nhà có kiến thức và tầm nhìn, tận dụng lợi thế của mình so với khách sạn truyền thống, thu nhập của họ cũng sẽ rất khá.

Mình nói điều này thông qua quá trình gia đình về quê. Ở những vùng thị trường không lớn thì các khách sạn truyền thống cũng không quá chăm chút cho chất lượng dịch vụ. Với hiểu biết của người bản địa về khu vực họ sinh sống, những chủ nhà hoàn toàn có thể làm nên chuyện với Airbnb.



Cuối cùng, mọi so sánh đều là khập khiễng. Trong bài viết này, mình chỉ đề cập đến góc nhìn khiến đa số mọi người hiểu chưa chuẩn khi so sánh giữa Airbnb và khách sạn truyền thống, đặc biệt là các “ông lớn”. Vẫn còn rất nhiều góc độ của cuộc cạnh tranh này không thể được đề cập trong bài viết vì nó nằm ngoài phạm vi của chủ đề.

Lợi thế về số lượng phòng áp đảo, chi phí vận hành, hay chi phí dự án đều không thể giúp Airbnb thực sự là mối đe doạ cho các “ông lớn” trong ngành khách sạn toàn cầu.

18.03.2023

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết Tại Sao Airbnb Không Thể Đe Doạ Các Ông Lớn Khách Sạn, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.

Bài viết thuộc chuyên mục Đi Làm > Làm Khách Sạn.

Bình luận