Năm 20 tuổi, khi mới học đại học năm 3 chưa tốt nghiệp, mình quyết định gap year và ứng tuyển vào vị trí Reservations Manager (Trưởng bộ phận Đặt phòng) của một khách sạn 5 sao quốc tế. Haha, tất nhiên đây là một hành động khá táo bạo, và Linh-24-tuổi hôm nay sẽ nhìn lại Linh-20-tuổi và rút ra những bài học xương máu về những điều lẽ ra mình nên biết sớm hơn trước khi trở thành quản lí.
1. Yếu tố con người quan trọng hơn chuyên môn
Trong quá trình phỏng vấn cho vị trí này, mình đã được Bố phím cho trước về điều này. Khi mình kể với gia đình là mình sẽ phỏng vấn vòng 3 với Tổng Quản lí khách sạn (General Manager – GM), Bố mình đã dặn trước cái khó khăn nhất trong quản lí là quản trị con người. Ngoài tám chuyện trao đổi bên lề thì GM hỏi mình đúng 1 câu duy nhất trong buổi phỏng vấn đó: Bạn nghĩ thử thách lớn nhất khi bạn tiếp nhận vị trí này là gì? Cuộc đời mình chỉ có vài lần trúng tủ, nhưng riêng cái tủ này thì còn theo mình mãi về sau.
Bạn cần có chuyên môn tốt để có thể dẫn dắt một đội ngũ, nhưng bạn không nhất thiết phải là người có chuyên môn tốt nhất đỉnh của chóp (dù bạn hoàn toàn có thể nếu muốn). Điều bạn cần là bằng mọi cách đưa mọi người lại gần nhau, mọi người cùng nhau làm việc xoay quanh một mục tiêu chung.
Mình nghĩ lúc mình mới nhận vị trí này, có những thứ mình đã làm đúng và sai, nhưng nếu thời gian quay trở lại, mình chắc chắn sẽ dùng một phương thức tiếp cận khác uyển chuyển hơn. Là một người từ Thuỵ Sĩ trở về sau 3 năm, đã quen với sự thẳng – thật – trực diện, mình cảm nhận được thời gian đầu bản thân có làm phật ý nhiều Anh Chị. Rất may là mình (tự nhận) có khả năng thích ứng khá nhanh nên sau khoảng 2 tháng thì mọi thứ đã tốt lên, đặc biệt là các Chị trong văn phòng cũng rất nhiệt tình chỉ bảo cho mình cách ứng xử. Mình nghĩ, do tuổi trẻ và mình cũng không gồng lên “tôi đây là quản lí”, may mắn các Anh Chị đều bao dung với mình.
Suốt 14 tháng giữ vị trí, mình vẫn luôn nhớ sự khẳng định của mình với GM, và mình cảm nhận được cách các Anh Chị đồng nghiệp có thể nói chuyện thoải mái với mình mà không phải kiêng dè nhiều vì vị trí mình nắm giữ. Mình may mắn đã chuẩn bị bản thân từ trước khi ứng tuyển, nhưng mình càng hiểu hơn khi chuyển công tác sang lĩnh vực Phân tích Tài chính, mình gặp những quản lí luôn ra lệnh và thậm chí mắng mình mà không một lời giải thích. Cô Giám đốc đã nhắn nhủ mình kiên nhẫn cho họ thời gian vì “Họ đang học cách trở thành quản lí lần đầu tiên và cũng chỉ muốn chứng tỏ vị thế của mình”.
2. Có là quản lí thì bạn vẫn phải “học”
Đây cũng là điều mình rút ra được sau này. Mình nói “sau này” là bởi vì tâm lí học, học nữa, học mãi luôn theo mình từ nhỏ đến lớn và đối với mình, nó đã trở thành một lẽ đương nhiên. Đến tận “sau này”, khi mình nhận ra Ồ, hoá ra cũng có những người không thấy nó ‘đương nhiên’ như mình., thì mình mới nghiệm ra đây cũng là một bài học cần được ghi nhớ.
Mình vào bộ phận sớm hơn, và do thiếu nhân lực nên mình có cơ hội chịu trách nhiệm cho rất nhiều đầu việc lẽ ra không thuộc về mình. Mình có kĩ năng tự học (mà mình cho là) số dzách, cả bộ phận đều đồng ý bởi họ không cần phải chỉ mình nhiều, cứ thả mình ở đấy mình tự đi mò tự học hết những kiến thức cần có và đi sâu vào bản chất, thậm chí còn tự hoàn thành những mục tiêu mà nhiều năm rồi bộ phận không thực hiện được). Nhờ vậy, có rất nhiều kiến thức mà trong bộ phận chỉ mỗi mình (và Cô Giám đốc) hiểu, bởi với khối lượng công việc hiện tại, không ai có thể dạy người mới từng li từng tí trong thời gian ngắn đến thế.
Ở cấp độ nhân viên, mình đã chứng kiến những người quản lí mà có những chi tiết rất nhỏ và tào lao (như là copy paste – tin mình đi, thật đấy), mà thay vì để mình chỉ cho trong 2 giây, họ từ chối lời đề nghị của mình và mày mò trong 2 tiếng đồng hồ không xong. Có nhiều lần mình muốn giải thích cho họ những điều mình đã tự học được để tiết kiệm thời gian, nhưng họ từ chối rồi tự làm theo ý họ và sai, khiến mình phải đi kiểm tra những gì họ làm xem có… đúng không 😥 để còn nhắn họ sửa lại.
Dù khi trở thành quản lí tuổi 20, mình cũng vẫn học cách ứng xử, học những điều mình nên biết từ các Anh Chị đồng nghiệp, dù họ giữ vị trí thấp hơn mình, bởi họ đã đến doanh nghiệp trước, trải nghiệm thị trường và công việc từ những ngày đầu tiên, là thứ mình không có được. Mình luôn ghi nhớ, việc học có thể đến từ bất kì đâu và bất cứ ai.
3. Networking networking networking, điều quan trọng phải nhắc lại 3 lần
Người ta cứ hay nói này nói nọ về nhất tiền tệ nhì quan hệ, chứ ở đâu cũng cần hiện kim và ngoại giao thôi. Sự cần thiết của tiền bạc đã quá rõ ràng rồi, nên mình sẽ tập trung vào yếu tố xây dựng các mối quan hệ.
Việc “có quan hệ” và “không quan hệ” nó rất là khác nhau. Nếu bạn chỉ chăm chăm vào làm hết việc của mình, thế giới quan của bạn sẽ không bao giờ được mở rộng, bởi bạn không có điều kiện tiếp nhận góc nhìn đa chiều của nhiều người. 9 người 10 ý là vậy, chứ 1 người chắc chắn là không có được 10 ý rồi, bởi bạn sẽ luôn bị giới hạn bởi ý thức chủ quan. Kiến thức của bạn luôn chỉ là một giọt nước giữa đại dương mênh mông, nên nếu bạn càng tham vọng, bạn càng cần những giọt nước khác để có thể hợp thành và tạo ra một con sóng.
Mình học được điều này qua ♡ Hành Trình “Suýt” Chinh Phục Được Bloomberg ♡. Khi đó, mình mới đến London 7 tháng, không biết gì về thị trường tuyển dụng nơi đây, đã vậy còn đâm đầu vào chương trình cạnh tranh gay gắt nhất Graduate Scheme của thị trường tài chính với nền tảng Quản trị khách sạn. Kết quả là, mình vẫn đi được đến vòng cuối cùng trước khi tạch. May mắn ư? Đúng, nhưng may mắn của mình là đã gặp được một insider – một người trước đây làm việc cho Bloomberg, để theo mình suốt hành trình ứng tuyển.
Trong trường hợp tốt hơn nữa, những vị trí tuyển dụng quan trọng thường luôn đến từ nguồn referral, tức chính xác là tuyển dụng thông qua quan hệ. Vậy nên quan hệ luôn là con đường tắt, dù bạn ở đâu.
31.10.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sản xuất nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.