Hơn nửa năm về trước, mình có trả lời phỏng vấn cho Youth+ về câu chuyện trở thành Quản lí của một khách sạn 5 sao quốc tế khi mới chỉ 20 tuổi. Những câu hỏi của bài phỏng vấn này mình thấy rất là thiết thực, bạn có thể đọc lại hoàn chỉnh bài phỏng vấn tại đây. Trong bài viết này mình trích dẫn lại riêng phần hỏi đáp.
Hành trình trở thành Reservations Manager (Quản lí Đặt phòng) tại khách sạn 5 sao quốc tế MGallery khi chỉ mới 20 tuổi của Chị thực sự là một câu chuyện truyền cảm hứng đến những bạn trẻ yêu thích ngành khách sạn. Vậy đâu là những yếu tố tiên quyết giúp Chị đạt được thành tựu này khi còn trẻ như vậy?
»» Yếu tố tiên quyết hàng đầu là tư duy dám nghĩ dám làm một cách quyết liệt. Chị nghĩ là bất kì ai đạt được bất kì thành tựu nào đều mang trong mình ý chí sục sôi như vậy. Thiếu yếu tố này sẽ chẳng còn sau đó nữa.
Sau đó, trải nghiệm của Chị cho thấy có 4 yếu tố quan trọng: định hướng, kế hoạch, hành động, và may mắn. Định hướng là biết năng lực mình ở đâu, biết thị trường và tiềm lực của nó như thế nào, và biết bản thân hướng đến điều gì. Định hướng là nền tảng của kế hoạch để vẽ ra con đường đi, và chúng ta hoàn toàn có thể vừa đi vừa vẽ vừa sửa. Có định hướng, có kế hoạch, Chị bắt tay vào hành động dựa trên 2 yếu tố này, bởi không có hành động thì đã chẳng có thành quả. Và cuối cùng, dù không ai cân đo đong đếm được may mắn, nó vẫn luôn hiện diện sau khi các yếu tố quan trọng khác đã được xác định.
Chị có thể chia sẻ một kỉ niệm thú vị đáng nhớ nào đó, hoặc một câu chuyện đặc biệt mang đến sự thay đổi cho cá nhân Chị trong quá trình làm việc tại khách sạn không?
»» Câu chuyện này là một người thì đúng hơn. Ngay từ bước đường đầu tiên của sự nghiệp, Chị đã gặp được người mà Chị sẽ biết ơn suốt cả cuộc đời này: Tổng Quản lí và Chủ đầu tư khách sạn đầu tiên mà Chị thực tập tại Pháp. Anh ấy đúng nghĩa là “vẽ đường cho hươu chạy” và con hươu đấy là Chị. Anh ấy dẫn dắt Chị không chỉ trong công việc mà còn trong cuộc sống. Tụi Chị đã dành hàng chục giờ mỗi tuần trong 6 tháng thực tập trao đổi về những dự định trong tương lai gần và xa của cá nhân Chị, của cá nhân Anh ấy, của doanh nghiệp và vai trò của đối phương trên con đường thực hiện những dự định đó. Anh ấy dạy Chị góc nhìn về ngành ở quy mô toàn cầu, cách chỉ tập trung vào những điều quan trọng, cách thể hiện bản thân uyển chuyển dựa trên đòi hỏi của nhà tuyển dụng, cách kết nối văn hoá Tây và Đông (vì Anh ấy lai nửa Âu và nửa Á), cách tận dụng những điểm mạnh đặc sắc của Chị mà ít ai có trên thị trường nhân lực ngành Quản trị khách sạn, và cũng thẳng thắn góp ý và phê bình Chị rất trực tiếp mỗi khi Chị có những phát ngôn bồng bột của tuổi trẻ. Có một người Sếp có vai trò giống Cha Mẹ như vậy thực sự là “của hiếm”.
Với nhiều bạn trẻ hiện nay, Quản trị khách sạn là một ngành tràn ngập “màu hồng”. Các bạn sẽ được giao tiếp với nhiều người, được sống trong một môi trường năng động, không phải bó mình trong văn phòng 8 tiếng 1 ngày. Chị có đồng tình với những suy nghĩ này không và theo Chị, làm việc trong khách sạn có những thách thức ngầm nào đằng sau vẻ ngoài “màu hồng” kia?
»» Không bó mình trong văn phòng 8 tiếng/ngày nhưng bó mình trong khách sạn 8 tiếng/ngày có khác nhau không? (cười lớn) Chị đùa thôi. Chị chắc chắn sẽ không phủ nhận việc được giao tiếp với nhiều người, và có lẽ đó cũng chính là lợi thế lớn nhất của ngành Quản trị khách sạn. Thay vì “đi một ngày đàng học một sàng khôn”, các bạn chỉ cần ở một chỗ mà vẫn có cơ hội tiếp cận với rất nhiều nền văn hoá và câu chuyện khác nhau là điều không phải công việc nào cũng có thể mang đến.
Cái khó của giao tiếp với nhiều người đó là không có một mẫu số chung hoàn hảo nào có thể áp dụng cho tất cả khách hàng. Cái khó của môi trường năng động đòi hỏi sự chủ động từ phía các bạn nhiều hơn. Hơn thế nữa, một trong những điểm hay được nhắc đến trong ngành đó là việc không phải ai cũng luôn đối đãi với các bạn chân thành thật lòng, và bạn sẽ cần bắt sóng đúng người đúng việc để đưa ra giải pháp phù hợp nhất để bảo vệ bản thân và bảo vệ doanh nghiệp.
Quản trị khách sạn vẫn còn là một ngành khá mới tại Việt Nam. Vậy theo Chị làm thế nào để các bạn trẻ xác định được bản thân mình có phù hợp để đi theo ngành Quản trị khách sạn hay không, trong khi kinh nghiệm của những người đi trước còn rất ít và các bạn ấy cũng chưa có cơ hội được thực tế dấn thân vào ngành?
»» Người Nhật có phương pháp rất hay tên là Ikigai là giao điểm của 4 yếu tố phối hợp lại: điều bạn giỏi, điều bạn có thể mang lại giá trị cho thế giới, điều thế giới cần, và điều bạn theo đuổi. Để đơn giản, Chị khẳng định giúp các bạn luôn, rằng nhân lực chất lượng cao ngành Quản trị khách sạn vẫn đang và sẽ là điều thế giới cần, thế là được 1/4 yếu tố. Còn 3 yếu tố còn lại đều xuất phát từ bản thân, vậy nên chính mỗi người trong số các bạn đều phải suy ngẫm và đi tìm câu trả lời cho riêng mình trong quá trình trưởng thành.
Chị luôn tin là kinh nghiệm của người đi trước chỉ mang tính tham khảo, bởi cuộc đời không ai giống ai. Có câu này Chị nghe rất nhiều, “Có mấy ai bỏ học mà được như Bill Gates hay Mark Zuckerberg?”, ý muốn khuyên mọi người không nên lấy những trường hợp đặc biệt để làm thước đo hay mục tiêu. Xét về mặt thống kê thì nghe qua tưởng chừng hợp lí đấy, nhưng để bứt phá, bạn buộc phải trở thành trường hợp đặc biệt, không ở mặt này thì ở mặt khác.
Riêng đối với vế “chưa có cơ hội thực tế để dấn thân”, Chị lại thấy đó lại là cái hay của việc “đi tắt đón đầu”. Hãy nhìn VinGroup với VinFast, Sun Group với những dự án đầu tư tại Đà Nẵng, Phú Quốc hay Sa Pa là một số ví dụ điển hình quy mô lớn, hay xét quy mô nhỏ thì chính là những dự án khởi nghiệp, họ đều vừa làm vừa cải thiện. “Dám nghĩ dám làm” mở ra hàng vạn cánh cửa khác cho bạn tha hồ khám phá. Ngại gì?
Trên blog cá nhân của mình, Chị chia sẻ rằng cơ hội việc làm ngành Quản trị khách sạn tại Việt Nam là rất lớn. Vậy theo Chị, các bạn sinh viên theo ngành này nên chú ý đến những điều gì, trau dồi những kiến thức và kĩ năng gì để có thể đạt được những bước tiến mạnh mẽ và nhanh chóng trong sự nghiệp?
»» Các bạn luôn có thể bắt đầu từ 5 yếu tố Chị đã kể. Kiến thức thì rất đơn giản, các bạn hãy so sánh chương trình học trong tay với chương trình học được công khai của các trường đào tạo ngành Quản trị khách sạn chất lượng nhất thế giới (EHL, Glion, Les Roches là ví dụ) để tìm ra việc các bạn đang thiếu những lí thuyết nào để tự học thêm trên các nền tảng trực tuyến hay tìm sách về tham khảo. Kĩ năng của ngành tập trung chủ yếu vào kĩ năng mềm, vậy nên trải nghiệm là câu trả lời tối ưu nhất, hãy hỏi các nhà tuyển dụng về cơ hội thực tập ngay đi!
Được biết hiện tại, do những định hướng cá nhân mà Chị không còn tiếp tục làm việc tại khách sạn nữa. Vậy Chị có cảm thấy tiếc nuối trước những nỗ lực, công sức và thời gian bản thân đã bỏ ra để theo đuổi ngành này trong quá khứ không?
»» Không em ạ, hành trình đó – ngược lại – lại rất ý nghĩa. Những người Chị đã gặp, những bài học Chị đã rút ra được, sự trưởng thành trong suy nghĩ của Chị ở hiện tại đều được xây dựng nên từ quá khứ. Những nỗ lực và công sức đó có giá trị rất lớn khi Chị thay đổi môi trường, và cũng chính nó giúp Chị khẳng định thêm rằng tham vọng của Chị không chỉ đơn giản là dừng lại ở việc điều hành một cơ sở dịch vụ lưu trú cao cấp đơn lẻ như Chị nghĩ 7-8 năm về trước.
Đây không phải lần đầu tiên Chị thay đổi định hướng mà xuyên suốt quá trình lớn lên Chị đã có vài lần như vậy, từ theo học chương trình Song ngữ tiếng Pháp đến thi Học sinh giỏi Quốc gia môn Toán rồi lại thi chuyên Sinh Phổ Thông Năng Khiếu qua theo học ngành Quản trị khách sạn và hiện nay công tác trong lĩnh vực Phân tích Lên kế hoạch Tài chính. Mỗi lần thay đổi là một lần toan tính theo Ikigai, và chính nó giúp hành trình khai phá bản thân của Chị trở nên muôn màu muôn vẻ và Chị còn được “lợi” thêm kiến thức phổ vừa rộng vừa sâu nữa. Tất nhiên, đến một lúc nào đó, hành trình này sẽ phải chững lại để dành chỗ cho sự ổn định và ưu tiên cho các phương diện khác trong cuộc sống.
Là một người có nhiều kinh nghiệm làm việc tại các khách sạn trên thị trường quốc tế, Chị có lời khuyên nào cho các bạn trẻ muốn theo đuổi lĩnh vực Quản trị khách sạn?
»» Các bạn hãy nhìn tốc độ xuất hiện các khách sạn thương hiệu quốc tế phân khúc cao cấp và cận cao cấp tại Việt Nam xem. Theo trung bình của thế giới, tỉ lệ nhân viên trên số phòng của phân khúc này là từ 1.5:1 đến 2:1 (hoặc thậm chí hơn thế) mới có thể đảm bảo chất lượng dịch vụ. Trừ đi những người rời ngành vì nhiều lí do khác nhau, cộng thêm không ít nhân lực trong ngành tại Việt Nam là người nước ngoài, các bạn đang có rất nhiều cơ hội phát triển. Lập chiến lược bài bản cho riêng bạn, hạ quyết tâm cao độ, và vững tin lên! Đừng để như bác nông dân trong câu chuyện Đẽo cày giữa đường nhé!
—
Trở thành Quản lí cho một khách sạn 5 sao quốc tế ở tuổi 20 đã từng là điều mình cho là không thật, nhất là khi mình còn học cấp 3 và suốt ngày nghe mọi người nói “Phải đi từ dưới lên, sẽ không ai cho bạn làm quản lí ngay khi vừa ra trường.” Góc nhìn của mình thay đổi hẳn sau 3 kì thực tập, bởi mình chưa bao giờ cảm thấy tự tin đến thế để nhận trách nhiệm dẫn dắt một đội ngũ. Tất nhiên dù vị trí quản lí khách sạn tuổi 20 của mình khá rực rỡ, chắc chắn mình không thể không có tí thiếu sót nào, bởi những người 20 năm dày dạn trận mạc họ còn vẫn có thể mắc sai lầm. Mình rất biết ơn sự ủng hộ và góp ý rất chân thành từ những Anh Chị em đồng nghiệp trên hành trình này.
12.09.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.