Là cựu Trưởng bộ phận Đặt phòng của một khách sạn 5 sao quốc tế + là du học sinh Thuỵ Sĩ và Vương quốc Anh, mình đã rút ra tuyệt chiêu riêng cho bản thân khi mua vé máy bay hay đặt phòng khách sạn. Tất nhiên, như đa số mọi người, mình cũng vô cùng để tâm đến giá. Tuy nhiên, sau rất nhiều trải nghiệm lên voi có xuống chó cũng có, giá dù rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu của mình, nhưng nó không phải ưu tiên số 1.
1. Skyscanner
Nếu bạn chưa biết thì bạn nên biết đi =))))) Skyscanner là trang quốc dân về so sánh các chặng bay của hầu hết các hãng hàng không trên thế giới, không chỉ ở giá vé mà còn là ở rất nhiều những thông tin khác của chuyện bay, đặc biệt là về lộ trình. Nếu bạn tìm kiếm các chuyến bay thì Skycanner phải là nơi bạn tìm đến đầu tiên để lọc giờ bay, các chặng trung chuyển (nếu có), và cả giá vé.
Giá vé bạn nhìn thấy trên Skyscanner không đại diện cho giá vé chính hãng, tuy nhiên sự chênh lệch giữa giá vé trên Skyscanner đại diện cho sự chênh lệch giá vé chính hãng của các chặng bay đó. Bạn hoàn toàn có thể mua vé trực tiếp trên các đại lí thông qua Skyscanner nếu muốn, nhưng mình chưa từng làm như vậy. Các đại lí ấy hầu hết đều uy tín, nên bạn có thể an tâm.
2. Booking
Booking chính là 1 trong số các Skyscanner của mảng khách sạn. Nó chỉ là 1 trong số, bởi vì chắc hẳn bạn cũng biết hằng hà sa số các trang tương tự như Booking, ví dụ như Agoda, Traveloka, Expedia, Kayak hay Hotels, và rất nhiều trang khác nữa.
Các bên thứ ba này là ác mộng của Bộ phận Đặt phòng khách sạn, nhưng là thiên đường nếu khách hàng sử dụng hợp lí. Lí do các bên thứ ba là ác mộng của Bộ phận Đặt phòng là bởi vì nhiều khi khách sạn không có toàn quyền hiển thị những thông tin theo cách mà họ muốn. Ví dụ, với Agoda, giá phòng khách sạn mà bạn nhìn thấy khi tra cứu và so sánh rất dễ là giá chưa bao gồm thuế phí. Khách Việt Nam rất hay sử dụng Agoda và dùng giá chưa bao gồm thuế phí này để đi thương lượng với khách sạn. Thời gian mà nhân viên Đặt phòng phải dành ra để hướng dẫn, giải thích, so sánh và thương lượng với khách hàng về giá đơn phòng là rất lâu, và lẽ ra với lượng thời gian vô duyên đó nhân viên đặt phòng có thể làm rất nhiều việc hiệu quả khác cho chính những hành khách này hay các hành khách khác, khi họ đã quen với cách các bên thứ ba này hoạt động.
Trong bài viết Tình Huống Vận Hành Khách Sạn, mình có viết:
“Ở vị trí của người bán dịch vụ, trách nhiệm của bạn là giúp khách hàng hiểu rõ tối đa những giá trị mà họ nhận được khi lưu trú với bạn.”
Để xoay chuyển khách một cách tinh tế để đặt phòng trực tiếp với khách sạn thay vì thông qua một bên thứ ba mà không phải đánh đổi quá nhiều về mặt doanh thu là thách thức rất lớn của bộ phận Đặt phòng. Nếu nhân viên Đặt phòng không để tâm đến những gì ngoài phận sự của họ, họ hoàn toàn có thể đề xuất khách đặt với bên thứ ba để khách hàng có lợi về giá. Tuy vậy, thiệt thòi là về khách sạn khi hoa hồng cho các bên thứ ba là rất cao (17%+).
Khi khách hàng hiểu được điều này, họ hoàn toàn có thể dùng nó để trao đổi và thương lượng với khách sạn về giá có lợi cho cả 2 bên. Mình sẽ giải thích trong mục 3.
3. Mua vé trực tuyến trên trang chính thức
Việc đầu tiên khi mình muốn tìm mua vé máy bay là lên Skyscanner, cân nhắc giữa giờ bay, thời điểm cất hạ cánh, thời gian bay, các chặng trung chuyển, việc trung chuyển, và giá vé. Sau đó, mình thông thường sẽ lên trang chính hãng của hãng hàng không để mua vé. Nếu mình đã có tài khoản khách hàng thân thiết của hãng hàng không thì mình sẽ đặt vé máy bay kèm tài khoản này. Nếu mình chưa có tài khoản khách hàng thân thiết thì mình sẽ đăng kí.
Việc đăng kí tài khoản khách hàng thân thiết là không bắt buộc, tuy nhiên mình cứ đăng kí rồi tích luỹ được bao nhiêu dặm thưởng thì tích luỹ, thà có còn hơn không. Biết đâu một ngày nào đó dặm thưởng này lại có ích thì sao? 🙂
Lí do mình thích mua vé trực tuyến trên trang chính hãng hơn thay vì mua thông qua bên thứ ba (tức là thông qua đại lí hay bất kì trang web nào không phải trang web chính hãng của hãng hàng không) là vì trải nghiệm khách hàng. Thông thường, khi bạn mua vé qua bên thứ ba, nếu bạn có bất kì sự thay đổi nào trước giờ làm thủ tục chuyến bay thì hãng hàng không sẽ không xử lí trực tiếp được cho bạn. Đây là điều hết sức bình thường. Nó không phải chỉ đơn giản là “mua ở đâu liên hệ ở đấy” hay là các hãng hàng không cố tình không giúp bạn, mà nó còn là những điều khoản hợp đồng được kí kết giữa các bên, là những sự đồng bộ hệ thống và thông tin, cũng như liên quan đến các vấn đề pháp lí như thuế và kiểm toán. Điều này áp dụng cho cả đặt phòng khách sạn lẫn mua vé máy bay.
Riêng đối với khách sạn, mình sẽ làm thêm một bước nữa trước khi đặt phòng trên web chính thức là liên hệ với khách sạn qua email hỏi báo giá. Trong trường hợp giá web bằng giá bên thứ ba, mình sẽ thương lượng trong email bằng cách lấy giá đó trừ đi 5%. Trong trường hợp giá bên thứ ba thấp hơn giá web, mình cũng làm y chang. Chỉ khi trong trường hợp giá email hoặc giá web thấp hơn giá bên thứ ba, mình sẽ đặt luôn trực tiếp mà không thương lượng gì. Tất nhiên, nếu khách sạn không đồng ý với thương lượng của mình, mình sẽ đặt với bên thứ ba (giá bằng hoặc thấp hơn giá trực tiếp) và để khách sạn mất 17%+ hoa hồng (ráng chịu!).
Nếu lịch trình của bạn nguy cơ cao có khả năng thay đổi, mình đề xuất bạn chấp nhận giá cao hơn chút và đặt trực tiếp với khách sạn, kèm thêm điều khoản điều kiện linh hoạt. Nếu bạn chắc chắn đây là lịch trình cố định và ngoại trừ các tình huống bất khả kháng, bạn hoàn toàn có thể đặt với bên thứ ba, đặc biệt là khi các quyền lợi là tương đương và giá lại thấp hơn 🙂
—
Bài viết này dành cho đại trà. Nếu bạn có ưu đãi hoặc quyền lợi đặc biệt gì, ví dụ như bạn là thành viên VIP thẻ tín dụng kiểu Amex Platinum trở lên hay các chương trình tương tự, tất nhiên bạn còn chẳng cần đụng đến những tuyệt chiêu mua vé máy bay và đặt phòng khách sạn kể trên 🙂
22.08.2022
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, hãy cân nhắc ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung phi lợi nhuận.