Người ta nói rất nhiều về việc bạn nên trau dồi nào là kĩ năng giao tiếp, kĩ năng quản lí thời gian, kĩ năng lãnh đạo, v.v… Tuy nhiên, trong cuộc sống, có 2 loại kĩ năng tối quan trọng nhưng không ai nói với bạn rằng bạn cần phải hiểu biết nhất định về chúng. Mình đã từng nghĩ đây là điều hiển nhiên. Chỉ là, không ngờ, khi lớn lên, mình thấy rất nhiều người vẫn còn lơ tơ mơ cỡ nào.
Đã bao nhiêu lần nhân sự nói gì bạn nghe nấy về những quyền lợi của người lao động? Đã bao nhiêu lần bạn than vãn rằng tại sao bạn phải chứng thực, phải hợp pháp hoá lãnh sự, phải làm giấy tờ này giấy tờ kia?
1. Kĩ năng pháp lí
Kĩ năng tối quan trọng đầu tiên mà không ai nói với bạn là kĩ năng hiểu biết những vấn đề pháp lí cơ bản. Bạn không nhất thiết phải hiểu luật y như một luật sư, bởi bạn luôn có thể thuê họ cho những sự việc phức tạp. Cơ mà, trong cuộc sống, rồi bạn sẽ gặp phải những tình huống nhỏ lẻ, mà nếu thuê luật sư thì quá tốn kém, mà nếu bạn không có hiểu biết sơ bộ về pháp lí thì bạn sẽ nhận phần thiệt về mình một cách không đáng.
Bạn có cần thiết phải thuê luật sư chỉ để giúp bạn xác nhận rằng doanh nghiệp tuyển dụng đã đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người lao động theo luật? Bạn có cần thiết phải thuê luật sư để xác định liệu khi hộ chiếu chỉ còn hạn sử dụng 1 tháng thì bạn có được phép nhập cảnh về Việt Nam? Những thông tin bạn đã nghe đã đọc liệu có chính xác là các thông tin từ văn bản pháp luật chính thống hay chỉ là người này truyền qua người khác?
Một trong những mục đích cực kì quan trọng của kĩ năng hiểu biết pháp lí là để giúp bạn bảo vệ bản thân, để bạn biết cần liên hệ với ai trao đổi về điều gì khi có tình huống xảy đến, hoặc để bạn có thể mạnh mẽ từ chối những điều không xứng đáng. Bạn không cần nghĩ đâu xa xôi, những tình huống rất đơn giản như xin việc hay mua xe đều có dính dáng đến vấn đề pháp lí như là tính thuế hay đăng kí sở hữu, v.v…
Một ví dụ mình hay thấy về việc nhiều người hiểu chưa đúng về tính pháp lí đấy là về quốc tịch Việt Nam. Mình đã từng đọc được một người Việt ở nước ngoài bình luận rằng “Việt Nam không có phép đa tịch, nên nếu bạn muốn nhập tịch nước ABC thì bạn phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam.” Mình thực sự không hiểu tin đồn này xuất phát từ đâu, nhưng nó sai rất sai. Đối với đa số mọi người, trong trường hợp đơn giản, bạn hoàn toàn được phép giữ đa quốc tịch bao gồm quốc tịch Việt Nam, nếu bạn có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam.
2. Kĩ năng hành chính
Kĩ năng tối quan trọng thứ hai không ai nói với bạn là kĩ năng hiểu biết về các quy trình hành chính. Thật lòng mà nói, mình đã nghe rất nhiều người xung quanh than phiền về việc làm giấy tờ nhiêu khê. Bạn biết không? Nói vui một chút thì hành chính có nghĩa là hành là chính 😂, ở nơi nào trên thế giới thì quy trình làm giấy tờ hành chính cũng nhiêu khê hết. Ở Thuỵ Sĩ, để được nhận vào làm việc, mình còn phải đi xin giấy xác nhận mình không nợ nần và không phạm pháp nữa, tốn cả thời gian lẫn tiền bạc.
Hiểu biết về quy trình hành chính mới là thứ giúp bạn tiết kiệm thời gian và công sức. Những việc hành chính cũng là thứ bạn mãi mãi không thể né được. Khi vào công ti mới bạn sẽ phải làm giấy tờ. Khi chuyển nhà bạn cũng phải làm giấy tờ. Mua bán gì giá trị như nhà đất, xe cộ bạn cũng phải làm giấy tờ. Nhờ vào việc bạn biết khi nào phải làm gì, khi nào chỉ có thể chờ đợi, khi nào thì cần phải liên hệ lại với ai thì cuộc sống của bạn sẽ không bị bối rối, từ đó trở nên dễ thở hơn rất nhiều.
Kinh nghiệm của mình khi chuẩn bị nộp bất kì giấy tờ hành chính nào, đấy là luôn chuẩn bị y chang 100% những gì người ta yêu cầu trên trang thông tin chính thức. Mình thậm chí còn không hoàn toàn tin tưởng 100% các thông tin trên phương tiện truyền thông đại chúng (như báo chí chẳng hạn). Ví dụ, khi xin visa, mình chỉ xem những giấy tờ cần chuẩn bị trên trang của đại sứ quán / lãnh sự quán / công ti dịch vụ chính thức (VFS, TLS, BLS, v.v…). Ít nhất, nhờ vậy, cho đến thời điểm này, bản thân mình đã xin visa 8 lần khác nhau và chưa trượt lần nào. Đây cũng là cách tiết kiệm nhất, bởi mình đã thấy rất nhiều người sử dụng dịch vụ hoặc thậm chí thuê luật sư mà cũng không ai có thể khẳng định chắc chắn được là kết quả sẽ có tỉ lệ khả quan hơn, bởi quyền quyết định không nằm trong tay họ.
Hơn thế nữa, bạn nên bắt tay vào thực hiện những công việc hành chính càng sớm càng tốt, như thế tính an toàn cho bản thân bạn mới cao. Nếu thông tin chính thức bảo thời gian xử lí hồ sơ mất khoảng 6 – 8 tuần, và có thể kéo dài 12 tuần, thì hãy nộp hồ sơ khoảng 14 tuần trước ngày khởi hành. Mình biết có rất nhiều dịch vụ cho phép bạn trả thêm tiền để nộp hồ sơ dạng “khẩn”, nhưng tuỳ thuộc vào mỗi bộ hồ sơ và khả năng xử lí hồ sơ ở từng thời điểm, hồ sơ “khẩn” cũng không đảm bảo bạn sẽ nhận được kết quả nhanh hơn. Bạn càng để lâu thì chỉ càng lỡ việc, nên đừng để các vấn đề hành chính sát nút mới làm.
Ngoài ra, kiến thức về quy trình hành chính cũng giúp bạn tránh khỏi những sai phạm để bị phạt không đáng có, như là về thuế má, hay về khai báo chẳng hạn.
—
31.01.2023
Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết 2 Kĩ Năng Tối Quan Trọng Không Ai Nói Với Bạn, hãy cân nhắc ủng hộ blog giúp mình duy trì sáng tạo nội dung miễn phí và phi lợi nhuận.
Bài viết thuộc chuyên mục Phát Triển Bản Thân > Tối Ưu Hoá Cuộc Sống.