0
Your Cart

♡ ĐH Mở Hà Nội – Ngành Quản Trị Khách Sạn ♡

Chào các bạn!

Mình tốt nghiệp Thủ khoa ngành Quản trị khách sạn tại Glion Institute of Higher Education, trường top 3 thế giới về đào tạo ngành Quản trị khách sạn. Mình đã từng giữ vị trí Reservations Manager (Trưởng bộ phận Đặt phòng) tại khách sạn 5 sao thương hiệu MGallery thuộc Accor ở tuổi 20.

Vì không học Mở nên mình không thể cảm nhận toàn bộ chương trình học được, mình chỉ có thể đưa ra gợi ý dựa trên các môn học của trường khi nhìn từ ngoài vào, hi vọng:
(1) giúp các bạn cạnh tranh hơn sau tốt nghiệp, và
(2) vẽ đường cho hươu chạy từ kinh nghiệm thực tiễn của mình :)))

Mọi thứ mình đưa ra chỉ là gợi ý, bạn tham khảo và biến tấu lại cho phù hợp tình huống của mỗi người nha.

1. Ấn tượng đầu tiên

Ngắn, ngắn phết.

Đáng tiếc là bởi vì mình không có góc nhìn về sự phân bổ các môn học theo trình tự thời gian như thế nào, mình cũng khó hình dung được sự phát triển về kiến thức trong chương trình học ra sao. Tuy nhiên, rất ấn tượng ở chỗ đây là lần đầu tiên mình thấy một trường đại học ở Việt Nam có chương trình học ngắn hơn Glion. Mình thấy càng tinh giản càng tốt, không cần phải bành trướng làm gì.

2. Cảm nhận từng môn học

Mình có chút ít phân vân khi thấy một số môn:

  • Trường sẽ dạy Giao lưu văn hoá quốc tế như thế nào? Mời sinh viên nước ngoài qua trao đổi?
  • Kĩ năng mềm trong du lịch bao gồm những gì? Kĩ năng mềm là phạm trù siêu to, một ít phương diện bao gồm giao tiếp, quản lí cảm xúc, xử lí tình huống, sơ cấp cứu, và hàng tá các phương diện khác.
  • Thanh toán quốc tế trong du lịch, trước đây mình cảm thấy đây là môn khá vô bổ dù nhiều trường dạy bởi lẽ học từ thực tế chắc chắn là phương án tối ưu nhất, tuy nhiên gần đây khi nói chuyện với mấy đứa bạn thân của mình thì mình nhận ra là chính các bạn í dù là thế hệ trẻ cũng không có tí khái niệm nào về sự khác biệt giữa các phương thức thanh toán, các loại thẻ, tín dụng và thanh toán, v.v… Dù rất nhiều người bảo bạn là nếu muốn quản lí tài chính thì không nên sử dụng thẻ tín dụng, mình là đứa khá không đồng tình với điều này. Dù mình rất hi vọng trường ĐH sẽ thực sự mang đến cho bạn cái nhìn cởi mở về các loại hình thanh toán cũng như ưu nhược điểm của các loại, mình vẫn không thấy sự cần thiết có môn học này trong chương trình.
  • Tiếng Anh chuyên ngành du lịch 1 / 2 / 3 / 4 / 5 hay Tiếng Anh chuyên ngành khách sạn, tiếng Anh ngành dễ lắm bạn ạ, còn chả cần gì cao siêu ấy, những ngôn ngữ đời thường, những cấu trúc câu đơn giản. Kinh nghiệm đi làm trong ngành khiến mình hi vọng điều các bạn học được ở môn này là việc chỉn chu câu chữ như kiểu làm giấy tờ pháp lí ấy. Nó sẽ giúp các bạn rất nhiều trong việc bảo vệ bản thân cũng như bảo vệ doanh nghiệp.
  • Tin học chuyên ngành du lịchTin học đại cương, trường có dạy Opera và Micros không? Hoặc là tin học văn phòng nâng cao, bao gồm Excel, PowerPoint, Word và Outlook? Nếu bạn nghĩ tin học văn phòng là thứ ai cũng làm được, tin mình đi, bạn sai rồi =))))) Bạn sẽ bất ngờ với số lượng thanh thiếu niên rất gà mờ tin học văn phòng đó. Thời đại 4.0 rồi, bạn mà tin học văn phòng chưa vững thì học liền đi, vì thế giới đến thời đại của dữ liệu với SQL, PowerBI, Tableau và Python rồi.
  • Đây không phải là lần đầu tiên mình thắc mắc rằng các bạn sẽ học gì trong các môn như Giám sát khách sạnQuản lí chất lượng dịch vụ. Mình hi vọng là trường sẽ dạy bạn cách xử lí các tình huống vận hành bởi trong quá trình đi làm, mình nghĩ đây là điểm yếu cốt lõi nhất của nhiều người. Nhiều khi, mọi người nghĩ rằng họ đã gặp tình huống tương tự trong quá khứ và áp dụng y xì phương án cũ, tuy nhiên kết quả lại không như mong đợi. Đồng thời, trên thực tế, cách quản lí những nhân viên dưới trướng cũng là một phần của Giám sát khách sạn. Cơ mà, mình khá “nghi ngờ” ghi gán góc nhìn này vào môn học. Ngoài ra, nếu bạn nào có thể cho mình thêm xíu thông tin thì có lẽ mình sẽ phán đoán được chính xác hơn.

Các môn mà mình cho là rất tuyệt vời:

  • Lịch sử Việt Nam, mình rất là tự hào khi thấy có những môn học thế này để củng cố những sự kiện tiêu biểu. Mình nhớ rất rõ những kiến thức lịch sử được học thời tiểu học, nhưng từ THCS trở lên thì mình đã mất đi hứng thú khi “học” trên lớp các môn này, mình thích tự tìm hiểu qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng hơn. Hi vọng ở đại học môn này được dạy hay như tiểu học vậy.
  • Phương pháp luận nghiên cứu khoa học, dù bạn không có ý định làm nghiên cứu đi chăng nữa (như mình), việc học môn này giúp mình vỡ lẽ ra rất nhiều điều về tìm kiếm nguồn thông tin đáng tin cậy. Từ đó, nếu mình muốn tìm hiểu về phạm trù kiến thức, Google đã không còn là nơi đầu tiên mình tìm đến.
  • Tâm lí học đại cươngTâm lí khách du lịch và nghệ thuật giao tiếp, ngay cả Glion mình cũng không thấy dạy môn này, tuy nhiên trước khi chuyển qua Glion thì mình học ở Les Roches – trường học chỉ gói gọn trong 1,000 sinh viên nhưng lại có đến 100+ quốc tịch – và có học môn Psychology ngay từ năm nhất.
  • Thực hành nghiệp vụ khách sạn, cho 100 điểm trên 100. Nhiều trường dạy nghiệp vụ nhưng mình không thấy họ dành riêng thời gian dành cho thực hành nghiệp vụ. Vỗ tay cho Mở!


3. Cảm nhận mở rộng

Lại thêm một chương trình học không phân định rạch ròi giữa du lịch và vận hành doanh nghiệp. Ở thời điểm hiện tại, những chương trình học thế này theo mình là đi chậm so với thời thế. Vận hành doanh nghiệp rất đặc thù so với du lịch, và nếu gom cả 2 vào trong cùng một chương trình học mình sợ sẽ làm cho sinh viên bị phân tâm và dễ gây hoang mang về đầu ra.

Du lịch tập trung rất nhiều vào văn hoá và kiến thức địa phương. Trong khi đó, vận hành doanh nghiệp là một phần của kinh doanh chỉ là ở mảng dịch vụ lưu trú và ăn uống. Họ sẽ tập trung vào tối ưu hoá doanh thu và lợi nhuận, đồng thời duy trì phát triển giá trị bền vững. Do vậy, nếu bạn thấy một trường nào đó phân định rạch ròi du lịch và quản trị khách sạn thành 2 chương trình học khác nhau, ít nhất bạn đã tập trung vào một ngách để đào sâu hơn về kiến thức cần có, và mình rất khuyến khích điều này nếu bạn có điều kiện.

Về mặt vận hành khách sạn, do các bạn đã có các môn học bao quát được hết các bộ phận, mình nghĩ về mặt “học” thì như thế là được. Tuy nhiên, điều mà các bạn thiếu là tất cả các môn học quản trị doanh nghiệp như phát triển chiến lược kinh doanh, tài chính doanh nghiệp (đánh giá tính tiềm năng và rủi ro của dự án), luật, quản trị rủi ro, hay quản trị doanh thu đặc thù của ngành. Tất nhiên những điều này bạn học qua trải nghiệm cũng được, nhưng mình cảm thấy có nền tảng lí thuyết sẽ cho bạn biết luôn rằng hiện thế giới ngoài kia đã có những mô hình như thế nào mà bạn không cần phải tự hệ thống lại cho bản thân.

4. Gợi ý

Thật lòng là mình không biết gợi ý gì, kiểu như chính bản thân mình cũng lạc lối trong chương trình học thế này (?!)

Có lẽ điều đầu tiên bạn cần chú ý đến chính là việc tận dụng điều rất tuyệt vời của Đại học Mở Hà Nội so với 4 trường khác mình đã từng lên tiếng về chương trình học ngành Quản trị khách sạn: chương trình Thực hành nghiệp vụ khách sạn. Suy nghĩ của mình trưởng thành hơn rất nhiều qua từng kinh nghiệm thực hành mà mình chắt chiu được trong quá trình đi học, và mình tin là bất kì ai cũng thế. Hãy chịu khó lắng nghe và suy ngẫm, cố gắng không suy nghĩ phản bác cấp trên vội khi ý kiến của mình và họ bất đồng để tìm hiểu ngọn ngành trước khi đưa ra kết luận.

Tiếp theo, xác định ngách bạn muốn phát triển trong tương lai. Không ai có thể làm được tất cả cùng lúc và đều hoàn hảo. Những phương hướng bạn có thể cân nhắc: du lịch, lưu trú, ăn uống, sự kiện, tiếp thị (marketing), nhân sự, doanh thu, kinh doanh (sales), tài chính (hiếm). Mình nói tài chính hiếm là bởi vì ít ai học Quản trị khách sạn ra làm tài chính (có mình haha) và thường khi các doanh nghiệp tuyển vị trí này họ cũng ít cân nhắc sinh viên ngành này. Tất cả các mảng còn lại thì con đường đi thông dụng hơn. Hiếm không có nghĩa là không thể, và thông dụng không có nghĩa là con đường duy nhất. Bạn phải lựa chọn cho riêng mình thôi.

Cuối cùng, tự rèn luyện rất nhiều. Bởi bạn thiếu các môn quản trị chuyên môn, bạn có thể chủ động tự học qua các nền tảng trực tuyến. Mình vẫn làm như thế suốt thời gian qua, bởi nếu không thì việc nhảy ngành từ Quản trị khách sạn qua Tài chính ở London là gần như bất khả thi. Mọi thứ đều cần chuẩn bị, và chuẩn bị đóng góp đến 80% kết quả cuối cùng theo quy tắc 80/20.

Chúc các bạn tìm được con đường phù hợp khiến bạn hạnh phúc.

19.02.2022

Nếu bạn có điều kiện và yêu thích bài viết này, bạn có thể ủng hộ blog để mình tiếp tục duy trì phát triển chất lượng nội dung.

Đại học Mở Hà NộiGlion Institute of Higher Education
– Cơ sở văn hoá Việt Nam
– Du lịch có trách nhiệm
– Địa lí du lịch Việt Nam
– Giao lưu văn hoá quốc tế
– Kinh tế vi mô
– Kinh tế vĩ mô
– Kĩ năng mềm trong du lịch
– Lịch sử Việt Nam
– Marketing trong kinh doanh du lịch
– Nghiệp vụ khách sạn
– Những nguyên lí cơ bản của chủ nghĩa Marx Lenin
– Pháp luật đại cương
– Phương pháp luận nghiên cứu khoa học
– Quản lí tổ chức sự kiện
– Quản trị buồng khách sạn
– Quản trị dịch vụ nhà hàng trong khách sạn
– Quản trị học
– Quản trị lễ tân khách sạn
– Quản trị nhân sự trong kinh doanh du lịch
– Quản trị tài chính
– Tâm lí học đại cương
– Tâm lí khách du lịch và nghệ thuật giao tiếp
– Thanh toán quốc tế trong du lịch
– Thực hành nghiệp vụ khách sạn 1 / 2
– Tiếng Anh chuyên ngành du lịch 1 / 2 / 3 / 4 / 5
– Tiếng Anh chuyên ngành khách sạn
– Tin học chuyên ngành du lịch
– Tin học đại cương
– Tổng quan du lịch
– Tư tưởng Hồ Chí Minh
– Chuyên đề khách sạn
– Đường lối cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam
– Giám sát khách sạn
– Kế toán doanh nghiệp
– Quản lí chất lượng dịch vụ
– Quản lí điểm đến du lịch
– Thương mại điện tử trong du lịch
Học kì 1
– Bellevue gastronomic restaurant (fine-dining)
– Food and beverage concept
– Fresh restaurant (wellness restaurant)
– The universe of wine and masterclass by Pablo Basso
– Mixology and cocktail masterclass
– Masterclass luxury gastronomy and hospitality
– Front office and hotel operations
– Business communication
– Business English

Học kì 2
– Internship
– Preparation for internship
– Practical arts reflection on practice

Học kì 3
– Hospitality marketing essentials
– Hospitality financial accounting
– Professional communication and academic writing
– People and performance in the workplace
– Applied mathematics and statistics in hospitality business
– IT business tools
– French / Spanish / Mandarin beginners / elementary / lower intermediate / intermediate
– Geopolitics

Học kì 4
– Sales and digital marketing in hospitality
– Managerial accounting
– Management of rooms
– Economics for hospitality and the tourism industry
– Hospitality and events operations
– Management of food and beverage
– French / Spanish / Mandarin beginners / elementary / lower intermediate / intermediate
– Geopolitics

Học kì 5
– Internship
– Online reflection on practice

Học kì 6
– Business development and strategy
– Corporate finance
– International law and risk management
– Revenue management and distribution channel management
– Human resources talent management
– Business ethics and corporate social responsibility
– Business and academic research methods

Học kì 7
– Bachelor thesis / Applied business project
– Luxury brand strategy / International hotel development and finance / International event management

Bình luận